Bởi lẽ tự nhiên là “Việt Nam Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông”, mà sự tiếp xúc văn hoá–ngôn ngữ giữa hai nước Việt–Trung đã diễn ra từ rất lâu đời và vô cùng sâu đậm. Từ những thế kỉ trước Công nguyên cho đến thế kỉ X là thời kì nước ta chịu sự đô hộ của phong kiến phương Bắc, sự tiếp xúc ngôn ngữ Việt Hán chủ yếu là thông qua “con đường khẩu ngữ”. Giới quan chức cũng như những người dân thường (đặc biệt là thương nhân) đã sang cai trị và làm ăn sinh sống ở đất Việt, và qua họ người Việt đã thu nạp vào trong tiếng nói của mình không ít những từ ngữ thông thường, mà phần nhiều vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay, như : buồng (房), buồm (帆), đuốc(烛), đũa (箸), mùa (务), múa (舞)… Từ thế kỉ X trở đi, nước ta giành được độc lập, bắt tay vào công cuộc xây nền tự chủ. Trong bước đầu gây dựng đất nước, từ thời Lý–Trần, cha ông chúng ta đã biết dựa vào văn hoá Hán và chữ Hán để đào tạo nhân tài. Trong công cuộc này, người Việt đã ít khi có dịp tiếp xúc trực tiếp với người Trung Hoa, cho nên “con đường khẩu ngữ” đã lùi dần vị thế gần như độc tôn trước đây để nhường chỗ cho “con đường sách vở”. Và đây chính là lúc cách đọc chữ Hán ở Việt Nam bắt đầu thoát li khỏi ngữ âm thực tế của tiếng Hán ở Trung Hoa, dần dần hình thành hệ thống âm Hán Việt. Cũng từ thời trung đại, tiếng Việt và tiếng Hán đều rất gần gũi nhau về mặt loại hình: đều là ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính. Với hai ngôn ngữ cùng chung loại hình, lại có cách đọc Hán Việt hoàn chỉnh như vậy, thì hàng loạt các từ ngữ tiếng Hán đi vào tiếng Việt để làm thành một lớp từ ngữ Hán Việt khá phong phú trong tiếng Việt là điều rất tự nhiên.
Như vậy, từ ngữ Hán Việt đi vào tiếng Việt là qua con đường sách vở và có lẽ chỉ những người có học mới thực sự am hiểu và thường xuyên sử dụng. Còn đại đa số người dân thất học, những người nông dân chân lấm tay bùn, thì họ chỉ có thể nắm biết được một ít những từ Hán Việt đơn tiết thông thường (như: thiên (天), địa (地), quỷ (鬼), thần(神), cúng 供, tế (祭),…), những từ Hán Việt đã Việt hoá triệt để đôi khi cả về mặt ngữ âm, được gọi là từ ngữ “Hậu Hán Việt” (như: gan (胆), gương (镜), rồng (龙), rạng (朗), vạch (划), vẽ (画), ...), những từ gốc Hán từ trước khi hình thành âm Hán Việt, được gọi là từ ngữ “Tiền Hán Việt” (như đã dẫn ở trên: buồng (房), buồm (帆), đuốc (烛), đũa (箸), mùa (务), múa (舞),…) và cả những từ đi vào tiếng Việt theo con đường khẩu ngữ từ bà con Hoa kiều ở thời hiện đại (như: vằn thắn, tào phớ, phá xang, tổ tôm, tài xế, mì chính). Chỉ từ sau Cách mạng Tháng Tám, những người nông dân mù chữ ấy mới có dịp học hành, mới có dịp tham gia vào các sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt xã hội, khi ấy họ mới có dịp tiếp xúc với những từ Hán Việt đánh dấu cho sự khởi đầu cuộc sống mới của họ: “Có khai hội, yêu cầu, chất vấn. Có mẹ hiền bắt rận cho những đứa con xa” (như nhà thơ Hồng Nguyên đã ghi lại trong bài Nhớ). Nhờ vậy, từ Hán Việt chẳng những không bị bài trừ, mà còn có cơ phát triển thêm lên.
Trong đời sống ngôn ngữ hôm nay ở Việt Nam, dường như đã và đang có một xu hướng khác rất đáng ghi nhận. Đó là ngày càng xuất hiện nhiều hơn những từ ngữ Hán Việt tự tạo (nội sinh), tức là những từ ngữ được chính người Việt tạo ra trên cơ sở vốn liếng đã có từ cha ông để lại – những ngữ tố gốc Hán đọc với âm Hán Việt. Đó là trường hợp của những từ ngữ như: sơ tán, di tản, cư xá, tiếp viên, tiếp thị, hội nhập, hội thảo, hội chứng, lập trình, ứng viên, ứng xử, cư xá,…. Những từ ngữ như vậy, tuy có thể “phiên chuyển” thành chữ Hán như: 初散,移散,接员,接市,会入,会讨,会症,立程,应员,应处,居舍… nhưng trong một số từ điển tiếng Hán hiện đại như Từ điển Hán ngữ hiện đại (现代汉语词典), Từ điển quy phạm Hán ngữ hiện đại (现代汉语规范词典) đều không hề tìm thấy chúng. Đó chính là sản phẩm của người Việt một khi họ thực sự làm chủ cái vốn ngữ tố Hán Việt cơ bản từ lâu đã có cuộc sống riêng trong tiếng Việt. Một đôi khi chính những từ ngữ Hán Việt nội sinh này đã đẩy lùi những từ ngữ Hán Việt nguyên ngữ đã một thời vang bóng trước đây, như hội thảo đã thay thế hẳn khai hội (开会), và phần nào thay thế cho hội nghị (会议). Tuy nhiên, cũng không nên nghĩ rằng ngày nay không còn dịp để mượn từ Hán Việt “nguyên khối” từ tiếng Hán. Chẳng hạn, gần đây Bộ Giáo dục đã cho thành lập Cục Khảo thí và Kiểm tra chất lượng giáo dục, trong tên gọi đó có từ Hán Việt “nguyên khối” khảo thí(考试), chứ không phải là từ Hán Việt tự tạo thi cử.
Trong khoảng một hai chục năm gần đây, có một con đường mới hẳn đang hình thành để từ ngữ tiếng Hán đi vào sách báo tiếng Việt. Đó là “con đường dùng phiên âm” dựa theo “phiên âm tự mẫu” của tiếng Hán. “Phiên âm tự mẫu” là bộ chữ cái Latin dùng để chú âm (phổ thông) cho chữ Hán, được Chính phủ Trung Quốc công bố năm 1958. Hiện nay, bộ chữ cái này đã được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc cũng như trên quốc tế, khi có nhu cầu ghi âm cho các chữ Hán, đặc biệt là dùng cho nhân danh, địa danh, tên các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, bộ môn, các sản phẩm và tác phẩm v.v… Chữ Quốc ngữ của ta cũng là một thứ chữ ghi âm theo chữ cái Latin, cho nên việc tiếp nhận các từ ngữ Hán vào văn bản Việt dưới hình thức “phiên âm tự mẫu” là việc quá ư thuận lợi. Qua khảo sát bước đầu của chúng tôi trên một vài tờ báo ở Hà Nội (báo “Thể thao và Văn hoá) và Thành phố Hồ Chí Minh (báo “Thanh niên”) trên các số phát hành gần đây (tháng 2 và tháng 3/2006), xin nêu một vài thí dụ như sau:
1. “Với số dân 60.000 người, nằm cách thành phố Thượng Hải khoảng 130 km về phía bắc, làng Huaxi thuộc tỉnh Giang Tô là niềm mơ ước của nhiều người. Thứ đồ trang trí đẹp nhất, giá trị nhất cho những con đường làng ở Huaxi chính là hình ảnh những nụ cười rạng rỡ của người dân nơi đây…” (trong bài “Thiên đường” ở Trung Quốc, báo Thanh Niên, số 87, thứ ba, 28/3/2006).
2. “Người đề ra công thức này không ai khác chính là vị cựu trưởng làng Wu Renbao…” (trong bài “Thiên đường” ở Trung Quốc, báo Thanh Niên, số 87, thứ ba ngày 28/3/2006).
3. “Đối với người dân Wuli, một ngôi làng ở miền đông Trung Quốc, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước chẳng phải chỉ là chuyện trên bàn giấy…” (trong bài Làng ung thư ở Trung Quốc, báo Thanh Niên, số 80, thứ ba, ngày 21/3/2006).
4. “Tây An, thành phố lịch sử nổi tiếng thuộc tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, hiện đang tìm kiếm vốn cho chu kì trùng tu mới tại khu lăng mộ của Hoàng đế, nhà cai trị huyền thoại của Trung Quốc, toạ lạc trên đồi Qiaoshan ở huyện Huangling…” (trong bài “Tây An tìm tài trợ trùng tu mộ Hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng, báo Thể thao và Văn hoá, số 36, thứ bảy, ngày 25/3/2006).
5.“Giáo sư He Weifang thuộc khoa Luật của Đại học Bắc Kinh cho biết tình trạng trên xảy ra tại hầu hết các đại học danh tiếng của nước này…” (trong bài Trung Quốc: 60% tiến sĩ đạo văn, báo Thanh Niên, số 75, thứ năm, ngày 16/3/2006).
6. “Trong số các quan tham bị sa lưới có cựu giám đốc một chi nhánh của Công ti điện lực Chuanhong ở tỉnh Tứ Xuyên, …” (trong bài Trung Quốc: bắt giữ hơn 400 quan tham bỏ trốn, báo Thanh Niên, số 85, chủ nhật, ngày 26/3/2006).
7. “Được biết trong dịp Tết vừa qua, các thành viên của đoàn xiếc (gồm Wang Ji Feng, Chen Dao Mei, Jiao Shi Guo, Sun Hua Dong, Liu Jian Nan…) đã được người xem đón nhận nông nhiệt, đặc biệt là các khán giả nhí…” (trong bài Đoàn xiếc mô tô bay Vương Trung Vương (Trung Quốc) đã “đáp” về Thảo Cầm Viên Sài Gòn, báo Thanh Niên, số 72, thứ hai, ngày 13/3/2006).
8. “Dạ Yến sẽ nằm trong cuộc tranh đua giành đề cử Oscar năm sau”, Wang Zhonglei, Giám đốc công ti Huayi Brothers, nơi sản xuất bộ phim, cho biết…” (trong bài Phùng Tiểu Cương hi vọng được đề cử giải Oscar năm sau với Dạ Yến, báo Thể thao và Văn hoá, số 22, thứ ba, ngày 21/2/2006).
Như vậy, chỉ lướt qua gần chục bài báo có nội dung liên quan đến Trung Quốc, thì ta đã gặp hàng chục những từ ngữ tiếng Hán dưới dạng phiên âm bằng chữ cái Latin. Điều này chứng tỏ rằng, tiếng Hán đang du nhập vào tiếng Việt một cách khá “rôm rả” qua bộ áo phiên âm. Vì sao vậy? Theo chúng tôi quan sát, thì không phải bất kì bài báo tiếng Việt nào viết về Trung Quốc cũng có “tài liệu nguồn” là tiếng Hán, tức là bản nguyên văn của chúng đã được viết bằng ngôn ngữ có chữ viết Latin, như tiếng Anh, tiếng Pháp… Nếu đã như vậy, thì dịch giả (biết hay không biết tiếng Hán) không còn cách nào khác là “bê nguyên xi” những cụm từ ngữ dạng phiên âm đó, vừa thuận tiện, lại bảo đảm được độ chính xác, trung thực của bài báo. Hay ngay cả khi “tài liệu nguồn” được viết chính bằng tiếng Hán, và người viết tin tiếng Việt (cũng là dịch giả) đương nhiên là biết tiếng Hán, thì việc xuất hiện các từ ngữ tiếng Hán dưới dạng phiên âm cũng không phải là không phổ biến. Bởi đâu phải bất kì người dịch nào cũng thông thạo cách đọc Hán Việt, để có thể ngay tức khắc, phiên chuyển những danh từ tiếng Hán ấy ra âm Hán Việt. Muốn làm được thế, họ phải mất thời gian tra cứu, mà xem ra cũng không thực sự cần thiết. Vậy thì, chi bằng cứ theo âm đọc mà phiên viết những từ ngữ Hán đó sang văn bản chữ Việt, cũng rất là thuận tiện, lại không kém phần chính xác. Nói như vậy không có nghĩa là những danh từ riêng tiếng Hán được viết theo âm Hán Việt đã hoàn toàn vắng bóng trên mặt báo. Ngược lại, chúng thường xuyên xuất hiện trên báo chí, thậm chí còn xuất hiện đồng thời, trong cùng một bài báo, với những từ ngữ tiếng Hán viết theo lối phiên âm. Chẳng hạn như:
1. “Những cảnh đấu võ và bay người trên không trung, yếu tố cơ bản đã tạo nên thành công quốc tế cho bộ phim Ngoạ hổ tàng long của đạo diễn Lý An, cũng được đạo diễn Phùng vận dụng triệt để trong Dạ Yến. Và để đạt được điều đó, ông đã phải “cậy nhờ” tới bộ ba góp phần làm nên thành công của Ngoạ hổ tàng long, gồm chuyên gia võ thuật Yuen Woo Ping, nhà soạn nhạc Tan Dun và đạo diễn nghệ thuật Tim Yip…Vai nữ chính trong phim vẫn được giao cho Chương Tử Di…” (trong bài Phùng Tiểu Cường hy vọng được đề cử Oscar năm sau với Dạ Yến, báo Thể thao và Văn hoá, số 22, thứ ba, ngày 21/2/2006).
2. “Liang Liang, nhà phê bình phim Đài Loan, thì nhận định, chiến thắng của Lý An có thể sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều đạo diễn châu Á muốn thử vận may ở Hollywood,…” (trong bài Sau giải Oscar của Lý An, Hollywood không ưu ái hơn với các đao diễn châu Á, báo Thể thao và Văn hoá, số 29, thứ sáu, ngày 10/3/2006).
3. “Những ai muốn khám phá về các màn xiếc độc đáo của nhân vật dặc biệt Liu Jian Nan cũng như của đoàn xiếc Vương Trung Vương có thể đến Thảo Cầm Viên vào khoảng thời gian từ 17–22 giờ mỗi ngày để thưởng thức.” (trong bài Đoàn xiếc mô tô bay Vương Trung Vương (Trung Quốc) đã “đáp” về Thảo Cầm Viên Sài Gòn, báo Thanh Niên, số 72, thứ hai, ngày 13/3/2006).
Từ những thí dụ trên, ta thấy rằng, những từ ngữ tiếng Hán được phiên ra âm Hán Việt hầu như đều là những từ ngữ quá đỗi quen thuộc với độc giả Việt Nam. Chẳng hạn như: Ngoạ hổ tàng long, Lý An, Chương Tử Di,… Thượng Hải, Tây An, Thiểm Tây, Tứ Xuyên,… Khi gặp các từ ngữ này, dù là ở dạng phiên âm trong văn bản ngoài chữ Hán, thì dịch giả, với vốn âm Hán Việt nào đó đã nằm lòng, vẫn thích đưa chúng quay trở về dạng từ ngữ Hán Việt đã quen thuộc đối với người Việt Nam. Và rõ ràng, khi tiếp xúc với những từ ngữ Hán Việt này, độc giả Việt Nam sẽ thấy gần gũi hơn rất nhiều so với những từ ngữ tiếng Hán viết theo lối phiên âm tự mẫu.
Ngoài ra, có một điều cần nói thêm rằng, trong những năm gần đây, không chỉ trên mặt báo, mà còn trên truyền hình hay trong những câu chuyện đời thường của người dân Việt Nam, ta vẫn thường nhìn thấy, nghe thấy những từ ngữ tiếng Hán vô cùng quen thuộc như wushu, sanshou, hay gần đây nhất là gongfu (trong bộ phim võ hiệp nổi tiếng của Trung Quốc – Gongfu – 功夫). Đây đều là những từ ngữ tiếng Hán chỉ các bộ môn võ thuật của Trung Quốc, đó là 武术,散手,功夫. Điều đáng chú ý là trong khi sanshou và gongfu còn được nhắc đến cả dưới dạng âm Hán Việt là tán thủ và công phu, thì ta không hề thấy wushu xuất hiện dưới hình thức âm Hán Việt tương ứng với nó là võ thuật. Nhất định phải gọi môn võ này là wushu theo chữ cái phiên âm. Bởi lẽ, trong tiếng Việt, võ thuật từ lâu đã là một danh từ chung dùng để chỉ các môn phái võ nghệ, chứ không phải đặc chỉ môn phái wushu với những đặc điểm riêng của nó. Vậy là, trong trường hợp này, con đường du nhập của từ ngữ tiếng Hán theo lối phiên âm tự mẫu đã phát huy thêm một tác dụng quan trọng nữa, nó giúp ta khu biệt danh từ chỉ một môn võ cụ thể với một danh từ chỉ võ nghệ nói chung.
Như vậy là, từ ngữ tiếng Hán du nhập vào tiếng Việt cho dù là bằng con đường khẩu ngữ, con đường sách vở hay là dạng phiên âm theo tự mẫu, thì từ thời xa xưa cho đến thời hiện đại cũng đều hết sức mạnh mẽ và bền bỉ. Cùng với sự trôi đi của thời gian, khi mà tình trạng cộng cư của người Hoa và người Việt không còn vị thế nổi bật trong sinh hoạt kinh tế thời hiện đại, khi mà tầng lớp nho sĩ am hiểu âm Hán Việt thưa thớt dần, thì sự du nhập của từ ngữ tiếng Hán vào tiếng Việt theo con đường khẩu ngữ hoặc con đường phiên âm Hán Việt sẽ không còn đậm nét như trong quá khứ nữa. Bù lại, xu hướng sử dụng ngữ tố Hán Việt để tạo từ mới ngày càng được hưởng ứng, và một con đường mới mẻ cho sự du nhập từ ngữ tiếng Hán vào tiếng Việt – con đường dùng “phiên âm tự mẫu” đang hình thành. Trên con đường mới mẻ này, số phận của các từ ngữ Hán phiên âm trong văn bản Việt sẽ ra sao? Chắc chắn chúng sẽ vấp phải không ít khó khăn để được tiếp nhận, song triển vọng của chúng cũng khá rõ ràng, vì sự tiện lợi và cần thiết của chúng ở những tình cảnh nhất định là không thể phủ nhận.
Tài liệu tham khảo
1. Lý Hành Kiện (chủ biên). Xiandai Hanyu Guifan Cidian (现代汉语规范词典). Nxb Ngoại ngữ Giáo học dữ Nghiên cứu & Nxb Ngoại văn, Bắc Kinh, 2004.
2. Nguyễn Tài Cẩn. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt (tái bản có sửa chữa). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
3. Nguyễn Quang Hồng. Âm tiết và loại hình ngôn ngữ (tái bản). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
4. Nguyễn Quang Hồng. Giữ gìn và phát triển tiếng Việt, ngôn ngữ chung của các dân tộc Việt Nam. Tạp chí “Ngôn ngữ & Đời sống”, số 1+2/2004.
5. Phòng Từ điển Viện Ngôn ngữ học Trung Quốc biên soạn (tu đính bản). Xiandai Hanyu Cidian (现代汉语词典). Nhà in Thương Vụ, Bắc Kinh, 1999.
Theo Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 5/2006, trang 34-37.
Vào ngày 01.04.2025, đúng dịp tưởng niệm 24 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (Vietnam Studies Center) thuộc Đại học Fulbright Việt Nam chính thức ra mắt tập đầu tiên của chuỗi podcast Trịnh Công Sơn Của Tôi & Của Chúng Ta, với sự phối hợp thực hiện cùng gia đình cố nhạc sĩ. Tựa đề tập đầu tiên, Căn nhà ta nằm nhỏ, gợi nhớ về một không gian ấu thơ, nơi những giai điệu đầu tiên của người nhạc sĩ tài hoa bắt đầu vang lên.
Podcast Trịnh Công Sơn Của Tôi & Của Chúng Ta thuộc khuôn khổ dự án “Nghiên cứu và Biểu diễn Âm nhạc Trịnh Công Sơn” do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam khởi xướng. Dự án nhằm mở ra một cách tiếp cận mới đối với di sản văn hóa và tư tưởng của nhạc sĩ, không chỉ qua những ca từ quen thuộc, mà còn qua ký ức, triết lý sống, và sự thấm đẫm tinh thần “ôm lấy muôn loài” trong từng tác phẩm. Với hình thức lịch sử truyền miệng, mỗi tập podcast là một cuộc trò chuyện với một vị khách mời từng gắn bó với Trịnh Công Sơn – từ người thân trong gia đình đến những người bạn, tri kỷ, nghệ sĩ hay trí thức đồng hành cùng ông trong hành trình sáng tạo và suy tưởng.
Không chỉ dừng lại ở những câu chuyện cá nhân, mỗi tập podcast kéo dài hơn 60 phút còn mang đến phần trình diễn những ca khúc ít được biết đến của Trịnh Công Sơn, do các sinh viên thuộc Câu lạc bộ Âm nhạc Fulbright trình bày. Với tinh thần nghiên cứu nghiêm túc, các bạn không chỉ hát mà còn đào sâu vào ngữ nghĩa ca từ, giai điệu và bối cảnh lịch sử – nơi âm nhạc của Trịnh từng đóng vai trò như tiếng nói của thế hệ sinh viên, của phản kháng ôn hòa, của tình yêu và nhân bản giữa biến động thời cuộc.
Dự kiến kéo dài trong nhiều tập với các khách mời như nhà thơ Nguyễn Duy, giáo sư Tương Lai, họa sĩ Lê Thiết Cương, thầy Trung Hải…, chuỗi podcast là không gian để những lát cắt cuộc đời và di sản Trịnh Công Sơn được kể lại bằng giọng nói thân quen, bằng âm nhạc, và bằng sự đồng cảm từ nhiều thế hệ.
Trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Trịnh Công Sơn Của Tôi & Của Chúng Ta không chỉ là lời tưởng niệm mà còn là một nỗ lực kết nối di sản văn hóa – lịch sử với đời sống hôm nay. Với dự án này, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và gia đình cố nhạc sĩ hy vọng mang đến một chất liệu phong phú, đa chiều và đầy tính con người để hiểu thêm về Trịnh – không chỉ như một nhạc sĩ, mà còn như một biểu tượng văn hóa, một người kể chuyện, một người bạn tinh thần của bao thế hệ Việt Nam.
1. Giới thiệu về Bộ sưu tập
Bộ sưu tập Tinh hoa Văn học và Ngôn ngữ Việt Nam là một tập hợp các công trình nghiên cứu quan trọng về văn học, ngôn ngữ và chữ viết Việt Nam. Đây không chỉ là một kho tư liệu phản ánh chiều sâu của di sản văn hóa dân tộc qua nhiều thời kỳ, mà còn là một nền tảng quan trọng phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực khoa học nhân văn. Bộ sưu tập này mang đến một góc nhìn toàn diện về sự phát triển của văn học Việt Nam, từ thời kỳ trung đại đến hiện đại, đồng thời làm nổi bật những giá trị văn hóa và tư tưởng gắn liền với từng giai đoạn lịch sử.
2. Vai trò của bộ sưu tập trong nghiên cứu văn học và ngôn ngữ
Bộ sưu tập không chỉ tập trung vào các tác phẩm văn học tiêu biểu, mà còn đưa vào hệ thống nghiên cứu về các thể loại văn chương quan trọng như lục bát, song thất lục bát, truyện thơ, và văn xuôi bác học. Sự phong phú về thể loại không chỉ giúp người đọc hiểu rõ hơn về sự vận động của văn học Việt Nam qua các thời kỳ, mà còn mở ra hướng tiếp cận liên ngành giữa văn học và ngôn ngữ học.
Bên cạnh đó, bộ sưu tập còn tập trung vào các nghiên cứu về chữ viết và ngữ âm tiếng Việt trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Những văn bản chữ Hán - Nôm, chữ Quốc ngữ sơ kỳ và các tư liệu ngôn ngữ học khác trong bộ sưu tập đã cung cấp một nguồn dữ liệu quý giá để nghiên cứu sự hình thành và phát triển của tiếng Việt. Điều này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với ngành ngôn ngữ học lịch sử mà còn đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản chữ viết dân tộc.
3. Di sản văn hóa và sự tiếp nối truyền thống
Một trong những đóng góp quan trọng của bộ sưu tập là giúp người đọc tiếp cận các tác phẩm văn học cổ điển qua những nghiên cứu có giá trị, làm sáng tỏ những tầng ý nghĩa ẩn chứa trong từng tác phẩm. Chẳng hạn, việc nghiên cứu về Truyện Kiều không chỉ dừng lại ở phân tích văn bản mà còn mở rộng sang những phương diện như thi pháp, lịch sử văn bản học, và sự tiếp nhận của độc giả qua các thời kỳ. Tương tự, những nghiên cứu về Chinh phụ ngâm hay các tác phẩm của Đoàn Thị Điểm đã làm rõ những đặc trưng của văn chương nữ lưu và vai trò của phụ nữ trong đời sống văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, bộ sưu tập còn góp phần vào việc nhận diện và bảo tồn những giá trị ngôn ngữ, văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện đại. Những nghiên cứu về từ vựng, ngữ âm, và ngữ pháp tiếng Việt trong quá khứ không chỉ có giá trị học thuật mà còn có thể đóng góp vào công tác giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, cũng như việc biên soạn từ điển và tư liệu ngôn ngữ.
4. Tính liên ngành và ứng dụng trong nghiên cứu hiện đại
Trong bối cảnh nghiên cứu hiện nay, bộ sưu tập Tinh hoa Văn học và Ngôn ngữ Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc lưu trữ tri thức mà còn mở ra những hướng tiếp cận mới, kết hợp giữa các phương pháp nghiên cứu truyền thống với công nghệ hiện đại. Việc số hóa các văn bản Hán - Nôm và sử dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý văn bản đã giúp việc tiếp cận tư liệu trở nên thuận tiện hơn, đồng thời tạo cơ sở cho những phân tích ngôn ngữ học corpus-based (dựa trên ngữ liệu lớn). Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả nghiên cứu mà còn tạo ra cơ hội kết nối giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Hơn nữa, bộ sưu tập cũng thể hiện rõ tinh thần đối thoại học thuật giữa các thế hệ nghiên cứu. Những công trình kinh điển của các học giả tiền bối được tiếp tục khai thác, đối chiếu với các phát hiện mới, từ đó góp phần làm phong phú thêm hiểu biết về văn học và ngôn ngữ Việt Nam. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển di sản học thuật, đồng thời khẳng định vai trò của bộ sưu tập như một trung tâm tri thức có tầm ảnh hưởng sâu rộng.
5. Lời kết
Bộ sưu tập Tinh hoa Văn học và Ngôn ngữ Việt Nam không chỉ là một kho tư liệu quý giá mà còn là một biểu tượng của sự tiếp nối và phát triển trong nghiên cứu văn học và ngôn ngữ học. Với nội dung phong phú, phương pháp tiếp cận đa dạng và khả năng ứng dụng rộng rãi, bộ sưu tập này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa hiện nay, việc tiếp tục nghiên cứu và mở rộng bộ sưu tập này sẽ góp phần khẳng định vị thế của văn học và ngôn ngữ Việt Nam trong nền tri thức nhân loại, đồng thời tạo điều kiện cho sự giao lưu học thuật giữa các nền văn hóa trên thế giới.
Từ những ngọn núi phủ sương mù của Tây Bắc đến bờ biển rực nắng miền Trung và mạng lưới sông ngòi chằng chịt của đồng bằng sông Cửu Long, Khoảnh khắc Việt Nam là một hành trình nhiếp ảnh tuyệt đẹp qua những miền đất cuốn hút nhất Đông Nam Á. Bộ sưu tập này không chỉ tái hiện vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, những công trình kiến trúc độc đáo mà còn phản ánh chiều sâu văn hóa của Việt Nam, mang đến một cái nhìn gần gũi và chân thực về tâm hồn dân tộc.
Mỗi bức ảnh trong bộ sưu tập là minh chứng cho niềm đam mê và sự tận tâm của năm nhiếp ảnh gia tài năng: Đào Ngọc Cảnh, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Bá Ngọc, Nguyễn Quang Ngọc và Nguyễn Tấn Anh Phong. Với con mắt nghệ sĩ và sự chính xác của một nhà tư liệu, họ đã khéo léo ghi lại những khoảnh khắc đáng giá nhất của Việt Nam—từ núi rừng hoang sơ, đền đài cổ kính, thành phố sôi động đến những ngôi làng thanh bình. Bộ ảnh được thực hiện từ năm 2020 đến đầu năm 2025, ghi dấu một giai đoạn đầy biến động nhưng vẫn tràn ngập những giá trị văn hóa trường tồn, tạo nên một câu chuyện hình ảnh kết nối quá khứ và hiện tại.
Ở vùng Tây Bắc, ống kính của họ đã bắt trọn vẻ đẹp huyền ảo—những thửa ruộng bậc thang uốn lượn như những bậc thang ngọc bích đổ xuống thung lũng mờ sương, hay hình ảnh người H’Mông, Dao, Thái khoác lên mình những bộ trang phục rực rỡ, lưu giữ tinh hoa văn hóa qua bao thế hệ. Tiến về miền Trung, bộ ảnh mở ra bức tranh về di sản văn hóa rực rỡ, nơi có phố cổ Hội An nhộn nhịp, Thánh địa Mỹ Sơn trầm mặc và kinh thành Huế cổ kỉnh kể lại những câu chuyện vương triều xa xưa. Cuối cùng, hành trình đưa ta về miền Tây Nam Bộ, nơi cuộc sống trôi chảy cùng nhịp điệu của sông nước, với những khu chợ nổi, vườn cây sai trái và những ngôi nhà sàn soi bóng lên mặt nước song yên ả.
Khoảnh khắc Việt Nam không chỉ đơn thuần là một bộ sưu tập ảnh—đó là lời tri ân dành cho một đất nước tuy nhỏ bé nhưng vô cùng phong phú về thiên nhiên và văn hóa. Bộ ảnh này không thể ra đời nếu không có sự hỗ trợ quý báu từ Ban Biên tập Tạp chí Heritage, những người đã kết nối và tạo điều kiện để Dự án Số hóa Việt Nam hợp tác cùng các nhiếp ảnh gia xuất sắc này.
Dự án Số hóa Việt Nam gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhiếp ảnh gia và Ban Biên tập Tạp chí Heritage vì sự đóng góp và đồng hành của họ. Nhờ họ, Khoảnh khắc Việt Nam trở thành một bức thư tình gửi đến quê hương, một lời mời gọi khán giả cùng đắm chìm trong vẻ đẹp duyên dáng của đất nước Việt Nam. Mỗi bức ảnh không chỉ là một khoảnh khắc được ghi lại, mà còn là cánh cửa mở ra tâm hồn Việt Nam, một hành trình khám phá phong cảnh, truyền thống và tinh thần kiên cường của con người nơi đây.
Năm 1923, trong bài “Chớp bóng Kim Vân Kiều” trên tờ Trung Bắc Tân Văn, Nguyễn Văn Vĩnh đã hình dung Kim Vân Kiều như một phương tiện để thể hiện chiều sâu tâm hồn của người Việt Nam qua điện ảnh—một loại hình nghệ thuật được du nhập từ Tây phương. Bộ phim cũng giống như câu chuyện Kim-Kiều và có một số phận được đánh dấu bởi gặp gỡ, chia ly và tái ngộ. Là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Việt Nam, bộ phim Kim Vân Kiều (1924) kết trái từ sự giao thoa của văn học Việt và kỹ thuật điện ảnh Tây Phương, song bị thất lạc và rơi vào lãng quên cho đến khi được phục dựng tại đây—không khác mấy so với nhân duyên hợp tan-tan hợp của Kim-Kiều. Tuy nay đã không còn nguyên vẹn thước phim, những tấm hình còn sót lại từ phim, được lưu giữ trong tập sách do Công ty Phim và Điện ảnh Đông Dương ấn bản sau đó, vẫn tồn tại như một minh chứng cho sự kháng cự của văn hóa Việt Nam trước sức thống trị thuộc địa. Thông qua việc chắp nhặt & tái tạo những bức hình còn vương bóng thế kỷ XX bằng trí tuệ nhân tạo trong một không thời gian điện ảnh chậm, Chớp-bóng Kim Vân Kiều tạo nên một cuộc gặp gỡ chớp nhoáng thoáng bóng đoạn trường giữa hiện tại và quá khứ, giữa lịch sử & phỏng đoán. Cũng như cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa Kim và Kiều báo trước sự chia ly không thể tránh khỏi, mối tương tác của chúng ta với bộ phim đã mất này cũng vậy—mong manh và khiến ta tự hỏi:
“Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.”
*Tác phẩm phục dựng đã được trưng bày tại Vietnam Festival of Creativity & Design 2024.
Bài đã đăng trên báo Tuổi Trẻ, ngày 02-02-2025
Lịch sử điện ảnh Việt Nam ghi nhận bộ phim đầu tiên được sản xuất cách nay đúng 100 năm: phim Kim Vân Kiều được cải biên từ Truyện Kiều, do Việt - Pháp hợp tác sản xuất và trình chiếu tại Hà Nội năm 1924.
Dù có mâu thuẫn trong đánh giá của báo chí đương thời, nhưng phim đã cho thấy nhu cầu khẳng định tinh thần quốc gia và giá trị văn hóa dân tộc bằng các phương tiện truyền thông "hiện đại" trước ảnh hưởng của văn minh phương Tây.
Bộ phim nay đã thất truyền nhưng vẫn còn may mắn sót lại những bức ảnh hiếm hoi, và có những bạn trẻ của thế kỷ 21 đang nỗ lực hồi sinh nó nhờ vào kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo (AI).
Bạn đọc báo Trung Bắc Tân Văn số ra ngày thứ bảy 9-6-1923 hẳn phải ít nhiều ngạc nhiên khi thấy ngay trên trang nhất trang trọng đăng bài của ông chủ báo Nguyễn Văn Vĩnh với tựa đề "Chớp bóng Kim Vân Kiều".
Cho đến thời điểm đó, điện ảnh thế giới khai sinh được 33 năm, rạp chiếu phim đầu tiên tại Hà Nội được người Pháp xây dựng khánh thành được 3 năm sau nhiều năm chỉ trình chiếu trong các công thự và doanh trại của người Pháp.
Ông Vĩnh mở đầu bằng việc nhấn mạnh vị trí trọng yếu của nghề chớp bóng trong thế giới tân thời: "Nghề chớp bóng (cinéma) ngày nay đã thành ra một cái cơ quan cổ động rất là công hiệu, một cách bắt buộc người ta phải biết đến, phải lưu tâm đến những điều, mà cứ đằng thẳng thì không mấy người nghĩ đến".
Nguyễn Văn Vĩnh thấy được ở chớp bóng khả năng giáo dục, quảng bá không phải bằng ngôn từ mà bằng "hình ảnh hoạt động" vượt ngoài biên giới quốc gia, đem đến sự đồng cảm mà "ai cũng hiểu được" rộng tầm thế giới.
Chính ở tính chất phổ thông hóa của điện ảnh mà "bao nhiêu những văn hay, những tư tưởng cao, những ý kiến có ích cho đời, những câu chuyện khéo đặt, những mỹ công tuyệt tác của các nhà đại tư tưởng trong thế giới, xưa kia" không còn là đặc quyền của một lớp độc giả tinh hoa mà được san sẻ rộng khắp đến mọi người như một "cao thú" bình dân, trở thành "một cuộc tiêu khiển cho tinh thần" của họ.
Nguyễn Văn Vĩnh - thông qua việc cổ vũ đưa Truyện Kiều lên màn ảnh - đã khởi động cuộc đối thoại với việc khai hóa văn minh của phương Tây mà các thế lực thực dân gọi là sứ mệnh.
Bài “Chớp bóng Kim Vân Kiều” của Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên Trung Bắc Tân Văn (9-6-1923)
Theo đó, Nguyễn Văn Vĩnh nhắc rằng người Âu - Mỹ thường tự hào với văn chương - tư tưởng của họ, cho đó là "một cái tư cách đặc biệt của một nhân loại khác" các dân châu Á, và đã đi xa hơn nhiều các nước này "trên con đường tiến hóa".
Kiểm lại trong di sản văn chương, tư tưởng của dân tộc, Nguyễn Văn Vĩnh nhận ra viên ngọc quý Truyện Kiều đủ để minh chứng rằng Việt Nam "không phải là một nhân loại bề dưới, đủ chứng cho người Âu châu phải công nhận rằng cái lối văn chương, có tư tưởng, có tâm lý, có triết học, không phải là một lối văn chương riêng của các nước bên Âu - Mỹ, người Việt Nam cũng có cái cảm giác ấy, cũng có cái tư tưởng ấy".
Niềm tự hào Truyện Kiều là phản ứng của trí thức Việt, phản bác sứ mệnh khai hóa văn minh của phương Tây trên nền tảng tinh thần dân tộc, ái quốc, chống thực dân.
Đây là một khuynh hướng tư tưởng của tầng lớp trí thức Việt Nam đầu những năm 1920, sau gần hai thập niên từ khi Đông Kinh Nghĩa Thục bị người Pháp vùi dập (1907 - 1923). Chẳng phải ngẫu nhiên khi đọc diễn văn ở lễ kỷ niệm cụ Tiên Điền do Hội Khai Trí tổ chức ngày 8-9-1924, Thượng chi Phạm Quỳnh ngâm câu "Phong trần mài một lưỡi gươm / Những phường giá áo, túi cơm sá gì" mà tự hào dân tộc trào dâng: "Tôi tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn - Tiếng ta còn, nước ta còn - Có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ".
Nhận thức được hiệu lực và tầm quan trọng của phim ảnh trong thời đại mới cùng với ý thức dân tộc kể trên, Nguyễn Văn Vĩnh muốn quảng bá Truyện Kiều rộng ra trong và ngoài nước bằng việc "dùng một cái cơ quan rất màu nhiệm, như là cái phép chớp bóng", cải biên nó thành tác phẩm điện ảnh. Việc ông đã dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp và khởi đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 18, cũng như sự hiện diện của hiệu Indochine Film ở Hà Nội khi ấy như là cơ hội chín muồi để hiện thực hóa dự án này.
Việc hợp tác với Hội Indochine Film được Nguyễn Văn Vĩnh xem như sự gặp gỡ của những ý tưởng mà trong đó dự án dựng phim Kim Vân Kiều là do ông đề xuất.
Ông muốn thế giới công nhận khả năng tư duy, cảm nhận, thể nghiệm, diễn đạt được sâu sắc nhất những ngóc ngách phức tạp, ẩn kín trong tâm lý, tình cảm con người của người Việt.
Sách Kim Vân Kiều (in lần thứ 7, 1923) do Nguyễn Văn Vĩnh phiên âm quốc ngữ và chú dẫn
Tuy viết bằng tiếng Việt, loạt bài của Nguyễn Văn Vĩnh đã thu hút sự chú ý của bạn đọc người Pháp, đặc biệt là những người liên quan đến dự án phim Kim Vân Kiều.
Đầu năm 1924, tạp chí Thái Bình Dương cho đăng bức thư "Le Cinéma Indochinois" (Điện ảnh Đông Dương) của Hãng Phim và Điện ảnh Đông Dương (IFEC), cho biết đề án dựng phim đã được ấp ủ từ lâu:
"Ý tưởng quay phim, trên cơ sở thử nghiệm, một cuốn tiểu thuyết bản địa đầu tiên đã đến với chúng tôi vào năm ngoái, trong Triển lãm Thuộc địa. Chúng tôi không muốn là những người muốn hiệu chỉnh các bộ tiểu thuyết thuộc địa mà lại không biết lấy một chữ nào về đời sống thực tại của thuộc địa".
Ngày nay, chúng ta còn giữ lại được một tập sách nhỏ có tựa đề Kim Vân Kiều do Hội Indochine Films & Cinémas ấn hành sau khi bộ phim được công chiếu, trong đó một bài tựa ngắn bằng tiếng Việt, các bài viết còn lại đều bằng tiếng Pháp.
Dòng đầu của bài tựa đã viết rằng: "Nàng Thúy Kiều, con gái Vương Viên Ngoại, người ở Bắc Kinh nước Tàu". Thế nên sẽ không lạ gì khi phục trang của diễn viên trong phim là sự pha tạp, không thuần Việt - chi tiết đã bị các báo Trung Văn, Đông Pháp thời báo chê trách.
Sách cũng tiết lộ triết lý cải biên của những người làm phim: tác phẩm cải biên phải phát huy được thế mạnh của thể loại lựa cách dùng cho hợp nghề chớp bóng, không cần theo đúng như nguyên truyện, mà phải làm sao chạm vào nội tâm khán giả, khiến cho người ngồi xem động lòng mủi dạ, giọt lệ khôn cầm.
“Citations coordinate distinct time-spaces, bringing them into a common relation of contiguity” (Silverstein 2005). Xin tạm dịch như sau: “Việc trích dẫn phối hợp những khoảng không-thời gian khác nhau, đưa chúng vào cùng một mối quan hệ chung, của sự đồng thời, kề cạnh.” Nữ Giới Chung đã tạo nên một không-thời gian kỳ lạ vào đầu thế kỷ 20, nơi tích hợp những trích dẫn từ những giai đoạn lịch sử khác nhau trên thế giới và Việt Nam, bởi những người nữ đã thụ hưởng một nền giáo dục pha lẫn Á-Âu. Nó là một không-thời gian đa dạng và sinh động như một montage điện ảnh được dàn dựng bằng những cú jump-cut ngang dọc chiều dài lịch sử. Sự đa dạng về mặt trích dẫn, cũng như cách sử dụng trích dẫn, khiến ta phải suy nghĩ lại về chữ “chung” trong Nữ Giới Chung, đặc biệt là về phạm vi của nó. Ở đây, “Chung” không phải là “Chung” một giọng nói, một thông điệp nhất quán sẵn có trong giới nữ Việt Nam. “Chung”/”Chuông” ở đây báo hiệu sự kiến tạo một không-thời gian, nơi những người nữ bước đến bên nhau cho một cuộc tao ngộ, để nhìn lại lịch sử, viết lại lịch sử và viết tiếp lịch sử đờn bà trong những trang sử Việt Nam và lịch sử thế giới. Vậy những thước phim lịch sử đã được các nữ sĩ của Nữ Giới Chung “cắt lại” như thế nào, và lồng ghép với câu chuyện Nữ Giới Chung ra sao.
Trích dẫn để làm gì?
Xin được bàn đôi chút về tính trích dẫn, “citationality”. Tính trích dẫn là tính căn bản của mọi ký hiệu, mà Derrida gọi là “iterability” của ký hiệu. Mọi ký hiệu đều sẵn sàng thoát khỏi hoàn cảnh phát ngôn, để đi đến một ngữ cảnh mới, nơi nó được trích dẫn. Việc trích dẫn đánh dấu chủ quyền của một lời nói, đưa lời nói thuộc về một người nói (speaking agent). Tuy nhiên trích dẫn đồng thời đưa lời nói và người nói vào một bối cảnh khác, nơi nó được dàn dựng và biểu diễn như một trích dẫn. Tuỳ theo sự dàn dựng, ta có thể có một diễn ngôn dàn dựng theo kiểu đa thoại, người này mượn lời và đáp lời người kia, giọng người và giọng mình được đánh dấu chủ quyền rõ ràng (”territorial mark”) bằng dấu ngoặc kép. Ta cũng có thể có một diễn ngôn độc thoại, tức người này đã “tiêu thụ” (”internalize”), lồng giọng người kia vào trong giọng mình, hay một diễn ngôn bán độc thoại, tức người này báo cáo lại những gì người kia nói (”reported speech”). Mục đích là để lời nói có gốc có ngọn (”having a traceable genealogy of thoughts”), để mượn cái uy của người khác mà củng cố cái uy trong lời nói của mình, để cái thấy của ta được bỗ trợ bởi cái thấy của người khác. Nếu việc học thuộc lòng thường được miêu tả như việc nội hoá, thẩm thấu (”internalize”), thì việc trích dẫn có thể được xem như sự xuất ra, “externalize”, để đối thoại và truy vấn nguồn gốc những suy nghĩ tưởng chừng là của mình. Để thêu lên những suy nghĩ mới, cần phải tháo dỡ những mối may cũ. Tuy nhiên, vào thời buổi đầu thế kỷ XX, việc truy cứu chỉ có thể dựa trên sách vở sẵn có, hoặc từ trí nhớ, vì vậy nên việc trích dẫn, không thể là một cử chỉ học thuật (”a scholarly/historiographical gesture”), nhằm đảm bảo tính chính xác về lịch sử (”a verifiable intellectual genealogy”), mà còn nên được hiểu như một cử chỉ biểu diễn, dàn dựng sân khấu (a “mise-en-scene”, a decorative act), nhằm kiến tạo ra một không-thời gian phảng phất lịch sử Đông Tây kim cổ (”history as an ambience”). Mục đích cho việc này là gì? Chúng ta có thể kiến giải rằng trong Nữ Giới Chung, Chung ở đây không phải một không-thời gian biệt lập chỉ có đàn bà đương đại nói chuyện với nhau, Chung ở đây không được cấu thành bởi sự tách riêng ra khỏi diễn ngôn của nam giới và sự co cụm lại của nữ giới. Chung ở đây gọi nữ giới đến đứng chung với thế giới, đứng chung với lịch sử được tạo nên bởi các giới, chứ không đứng riêng ra một mình.
Hãy xem sự biểu diễn trích dẫn sau:
Nguồn trích dẫn (speaking agent): Nguồn trích dẫn không phải lúc nào cũng là người, mà nếu là người thì cũng không cần có danh tính rõ ràng. Chúng ta đôi khi có “Ông Bội-Căn” (trích dẫn toàn danh), có “nhà danh sĩ bên Thái Tây” (Thái Tây, tức 泰西, chỉ các quốc gia tây phương, trích dẫn bán danh), có “danh sĩ nước Anh”. Chúng ta cũng có “sách nho”, có “chữ Tàu”, hoặc đôi khi chỉ có “sách” (trích dẫn vô danh). Chủ thể của phát ngôn không cần có một danh tính rõ ràng, mà có thể mang tính đại diện cho nền văn minh phương Tây (với vai ”danh sĩ”), hoặc đại diện cho trí tuệ nói chung (với vai “sách”). Quyền lực (”authority”) của trích dẫn nằm ở tính Tây phương, hoặc tính “đã được hợp thức hoá” (”officialized”), do được lưu truyền bằng phương tiện in ấn (”sách”), hoặc kiểm định qua sự truyền miệng rộng rãi (”vernacular literature”). Việc lưu truyền, kiến tạo tri thức không xảy ra ở mức độ đối thoại cá nhân, nơi việc trích dẫn có mục đích bảo vệ quyền sỡ hữu trí tuệ cá thể và tạo ra tương tác đối thoại giữa cá thể (”intersubjective dialogue”), mà ở đây ưu tiên việc đối thoại giữa những luồng văn hoá (”intercultural dialogue”), nơi các cá thể đóng vai trò đại diện cho các luồng văn hoá hơn là cho chính tư tưởng của họ.
Cách trích dẫn:
Ông Bội-căn sẽ được mở ngoặc chú thích bằng tên tiếng Anh ngay bên cạnh (”Roger Bacon”). Nhắc đến danh sĩ nước Anh thì nước Anh cũng được chú thích bằng phiên âm (”Anglé”). Điều đó minh chứng ở giai đoạn này, chữ Quốc ngữ chưa thể đứng riêng một mình, như một hệ thống ký hiệu được hoàn toàn phổ cập, với một mối liên hệ trực tiếp từ ký hiệu đến vật được ký hiệu (”direct connection between signs and referents”) mà cần được bỗ trợ, truân chuyển (”mediated”), “phụ đề” (”subtitled”), bởi những ngôn ngữ khác đang được sử dụng trong các môi trường giáo dục, hành chính khác nhau ở Việt Nam (bao gồm chữ Hán & chữ Pháp). Song song với môi trường giáo dục sử dụng, lưu hành các nguồn sách chữ Nho và chữ Pháp, các nguồn sách về tư tưởng, nhân vật lịch sử Tây Phương có khả năng đã được tiếp cận qua bản dịch chữ Hán, thay vì với văn bản gốc bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, vì vậy mới để lại những “dấu tích dịch thuật” song song (”Bội Căn”, “Roger Bacon”).
Giao thoa các luồng tư tưởng:
Vì cơ sở dữ liệu chưa hoàn chỉnh, việc số hoá còn dở dang, nên ở giai đoạn này chưa thể thống kê và phân loại được các nguồn trích dẫn chiếm số nhiều hay số ít. Tuy nhiên, điểm lại dữ liệu đã được số hoá, dựa trên biểu mẫu cỡ nhỏ (small sample), có thể từ các trích dẫn mà phân thành ra 3 luồng điển tích chính hay được sử dụng trong trích dẫn:
_ Điển tích văn minh châu Âu: bao gồm từ nền tảng tư tưởng-văn hoá Hy Lạp-La Mã cổ đại (Greek-Roman classicism) & Phục hưng (Renaissance)
_Điển tích Nho giáo: thường được đại diện bởi Mạnh-tữ, Khổng-tữ
_Điển tích lịch sử Việt: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, công chúa Diệu Liên, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương
Những luồng điển tích trên phản ánh những nghiên cứu của ThS. Nguyễn Hoa Mai về lịch sử giáo dục nữ sinh tại Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX, với sự chuyển giao văn hoá qua sự tồn tại song song của nền giáo dục Nho học và Âu học: “Lịch sử chỉ quan tâm đến lịch sử nước nhà và Trung Hoa cổ đại. Văn chương ảnh hưởng của Trung Quốc lớn lao và học tập tư tưởng, văn chương Trung Quốc là chủ yếu. Nội dung chương trình giảng dạy các lớp của chương trình Pháp – Việt được áp dụng thống nhất, dù là ở Đồng Khánh hay ở Áo Tím. Học sinh học bằng tiếng Pháp tất cà các môn, nhưng điểm khác biệt với chương trình Pháp là có một số giờ tiếng Việt, từ 1 đến 2 giờ/tuần. Chương trình bậc cao đẳng tiểu học, gọi là thành chung gồm những môn thuộc các lĩnh vực chuyên môn như sau: Khoa học tự nhiên(toán, vật lý, hóa học, vạn vật); khoa học xã hội và nhân văn (Pháp văn, sử - địa, luân lý, Việt văn. Học sinh học sử - địa của Pháp và của Việt Nam).” Đặc biệt, qua hiện tượng viết-dịch song song qua nhiều tầng ngôn ngữ (”polyphonic discourse”), ta có thể thấy nền giáo dục thời Pháp thuộc đã sản sinh ra những cá thể tư duy đa ngôn ngữ (”multilingual subjects”) và kiến tạo ra những không-thời gian đa ngôn ngữ- đa văn hoá (multicultural space-time), mà tờ báo Nữ Giới Chung là một ví dụ. Sự đa ngôn ngữ trở thành một di sản văn hoá thuộc địa đa tầng (”the legacy of multilayered colonialism”) đến từ nhiều giai đoạn đô hộ khác nhau, và là một di sản đa sắc nghĩa (”ambivalent”).
Trích dẫn và viết lại lịch sử thế giới: Từ lịch sử danh nhân đến lịch sử thân mẫu
Xin được nói rõ thêm là “Nữ Giới Chung” là một tờ báo với sự góp giọng của nhiều giọng nữ, nên không có một cách hay một mục đích trích dẫn duy nhất. Ở đây chỉ mạn phép đào sâu vào cách trích dẫn trong một bài viết của chủ bút Sương Nguyệt Anh, không có tính đại diện cho toàn bộ tờ Nữ Giới Chung - bài “Thế lực người đờn bà”, đăng trên số thứ nhất.
Thế lực người đờn bà Có một nhà danh sĩ nước Anh (Anglé) nói rằng : Cái tay đưa võng cho con, ấy là tay cầm quyền cả thế giới (1) Lời đó, thiệt như vẻ được cái thế-lực của người đờn bà. Kia tài trai như ông Cai-Tán (Jules César) (2) oai-danh lừng lẩy, khắp cỏi châu Âu. Ông Á-lực sơn-đại, (Alexandre le Grand) (3) vùng vẩy ngang tàng, phía tây châu Á, rất đỗi con nít nghe tên phải nín khóc, mà cũng còn chưa có cái thế-lực ấy thay. Huống chi đờn-bà, ngoài mũi kim đường chỉ, đã không tài ngang trời độc, lại không sức đào núi xẻ sông, ai mà dè là một tay hóa-công-(4) nhỏ Thế-lực là gì? Là biểu sống được sống, biểu chết phải chết, cũng như nhà tôn-giáo : (5) sanh đặng hết thảy, duyệt đặng hết thảy vậy. Thế thì ngoài quyền lực Quân-chủ (6) lại có cái thế-lực lớn hơn nữa là gì ? Chánh là cái tay võng cho con đó. Gẫm từ thuở địa-cầu mới có nhơn-loại nhẩn nay, trắng, vàng, đen, đỏ, biết hằng-hà sa-số (7) nào là người; mà chưa thấy có ai trên trời sa xuống, dưới đất chung lên bao giờ Thế mới biết , không có đờn bà thì loài người ắt tiêu-duyệt, thế-giới hiu quạnh, như cù-lao hoang, đâu là nhà « Triết-học » (8) nhà « Văn-học » (9) nhà « Chánh-trị » (10) đâu là nhà « Kinh-tế », (11) nhà « Cách-tri» (12) nhà « Giáo-dục » (13) và hết thảy các hạng người ở trên trái đất này? Vậy đờn-bà ta cũng có thể nói được rằng: Phàm nhứt-thiết (14), những văn-minh hiện-tượng (15) trong thế-giới ngày nay, đều là con cháu nhà cả. Là vì sao ? Nghĩa có đờn-bà, mới sanh ra thánh-hiền, hào-kiệt mới có người tô-điểm vẻ non sông. Dẩu khéo tạc tượng như ông Lỗ-ban, (16) tài họa bình như ông Vinh-sĩ, (Léonard de Vinci) (17)cũng chẳng có thế gì mà chế tạo được ra như ngươi ta thiệt. Rất đổị muốn đoạt quyền tạo-hoá như người Âu-châu, đến cái thế-lực như rứa, hắc cũng phải chịu thua tay đờn-bà. Vậy thì thế lực đờn-bà ta; lớn lao biết dường nào? Song cái thế-lực ấy, không phải sang mới có, cũng không phải giàu mới có, vốn ông Tạo-vật đã để phần chung cho hết thảy bạn quần-xoa. Có cái thế-lực bà Mạnh-mẩu, thì ông Mạnh-tữ mới nên danh ông Mạnh-tữ; (l8) có cái thế lực bà mẹ ông Nả-phá-Luân (Na-po-léon) thì ông Nả-phá-Luân mới thành được ồng Nã-phá-Luân; (19) Xét trong sữ sách xưa nay, còn nhan nhản biết bao nhiêu mà kễ. Thương ôi! Đời xưa như thế, đời nầy có ai ? Thế lực tuy phần chung của mọi người, mà biết dùng ra, lại chẳng qua chỉ riêng về cho những nhà có học ! Chị em ta phải tính làm sao ? để cho thiên-hạ coi vào mới ngoan !... Chớ đừng nên bắt chước như ai, đem thế-lực, mà làm cho nghiêng thành nghiêng nước, cho đổ quán xiêu đình ,tan nhà. nát cữa. Ấy mới là khôn ! Ấy mới là tài, ấy mới là cái tay cầm quyền cả thế-giới.
S. NGUYỆT-ANH.
1. Chữ Hán và Chữ Nôm
Mặc dù trong giới khoa học lịch sử Việt Nam đang tồn tại những giả thiết về một thứ văn tự cổ đại nào đó của người Việt từ thời “các vua Hùng dựng nước” cách đây khoảng ba bốn ngàn năm, song nền văn hiến (ngữ văn) cổ điển Việt Nam còn lưu truyền đến ngày nay chỉ biết đến có chữ Hán và chữ Nôm trong lịch sử hình thành và phát triển của mình. Dĩ nhiên, khi cần có một cái nhìn toàn diện hơn về nền văn hiến chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã chung sống lâu đời trên dải đất hình chữ S hiện nay thì ngoài chữ Hán và chữ Nôm ra, còn cần phải kể đến một loạt các loại văn tự khác nữa như chữ Chăm ở phía Nam, chữ Thái ở phía Bắc, v.v… Song dẫu sao kho tàng văn hiến chữ Hán và chữ Nom vẫn là nên tảng của văn hiến cổ truyền Việt Nam.
Chữ Hán đã có mặt ở phương Nam khá sớm, có thể từ vài ba thế kỉ trước Công nguyên. Với sự thành lập nước Nam Việt (207-111 trước Công nguyên) của Triệu Đà, chữ Hán trở thành phương tiện hành chính cho cả người Hán và người Việt thời bấy giờ. Tuy nhiên, phải sang đầu Công nguyên, dưới thời nhà Hán, với sự tích cực truyền bá văn hoá Hán của các Thái thú như Tích Quang, Nhâm Diên và đặc biệt là Sĩ Nhiếp, chữ Hán mới thực sự trở thành công cụ trong tay người Việt. Tầng lớp trí thức và quan lại địa phương người Việt am hiểu và sử dụng được chữ Hán bắt đầu xuất hiện từ đó. Không phải ngẫu nhiên mà Sĩ Nhiếp (186-266) được người đời sau tôn xưng là “ Nam giao học tổ”. Tuy nhiên, những tư liệu về chữ Hán thời ấy và cả mấy thế kỷ tiếp sau đó trên đất Việt, đã không còn lưu truyền về sau. Văn bản chữ Hán có niên đại cổ nhất còn lại đến nay là bài văn bia Đại Tuỳ Cửu Chân quận Báo An đạo tràng chi bi văn, được phát hiện ở huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hoá, do Nguyễn Nhân Khí soạn năm Đại Nghiệp 14 (618) nhà Tuỳ (khổ bia 75cm x 150cm, chữ mòn mờ, hiện đặt tại Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam).
Tiếng Việt và tiếng Hán dù có thể bắt nguồn từ những ngữ hệ khác nhau (Hán – Tạng đối với tiếng Hán và Nam Á đối với tiếng Việt), song về mặt loại hình chúng lại rất gần nhau. Cả hai đều là ngôn ngữ thuộc loại đơn lập – âm tiết tính, mà đặc điểm chung cơ bản là mỗi âm tiết hầu như đều mang nghĩa, đều có thể được sử dụng như một từ mà không biến hình. Chính vì vậy mà chữ Hán với mô hình biểu âm biểu ý cho từng âm tiết một sẽ là hình ảnh lý tưởng cho văn tự tiếng Việt thời bấy giờ. Và trên đại thể, từ chữ vuông của tiếng Hán đến chữ vuông của tiếng Việt (chữ Nôm) là con đường không mấy chông gai. Bởi vậy, một văn bản chữ Nôm cho tiếng Việt thoạt nhìn qua thật khó phân biệt được nó với một văn bản chữ Hán.
Tuy nhiên, chữ Nôm đã không hình thành một các chóng vánh. Mới đầu chỉ là những chữ lẻ tẻ dùng để ghi tạm những tên đất, tên người, tên sản vật bản địa, xen lẫn vào các văn bản chữ Hán. Tình hình này có thể diễn ra ngay từ đầu Công nguyên, khi chữ Hán đã thực sự được người Việt sử dụng, không phải chỉ để đọc, mà còn để ghi chép, mô tả các sự kiện, con người và môi trường nước Nam. Nhưng từ đó để đi đến chỗ chế tác và định hình lên một hệ thống văn tự biểu âm biểu ý cho tiếng Việt còn phải trải qua một thời gian khá dài. Đây không hẳn là do phải trăn trở dai dẳng về các thao tác tạo chữ, mà điều tiên quyết là dân tộc phải được giải phóng, đất nước phải được độc lập, nhu cầu sử dụng chữ viết dân tộc phải trở thành bức xúc đối với đời sống văn hoá và tinh thần của người Việt. Cho nên phải chờ cho đến thời đại các triều Đinh, Lê, Lý, Trần (từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV), khi nền độc lập đã được xây đắp vững chắc, ý thức dân tộc được khẳng định mạnh mẽ thì thứ chữ Nôm mới có đủ điều kiện trở thành một hệ thống văn tự hẳn hoi và các văn bản tiếng Việt bằng chữ Nôm mới dần dần xuất hiện. Theo sử sách ghi lại thì sự ra đời của chữ Nôm được đánh dấu bởi truyền thuyết về Hàn Thuyên (tức Nguyễn Thuyên) với bài văn Tế cá sấu và thơ phú bằng chữ Nôm của ông. Dưới thời Trần Nhân Tông (1279 – 1293) vào năm Thiệu Bảo 4 (Nhâm Ngọ, 1282) nhân có cá sấu vào sông Lô, nhà vua sai thượng thư Nguyễn Thuyên lập đàn và làm bài văn tế (bằng chữ Nôm?) ném xuống sông, cá sấu liền bỏ đi (theo Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, Q.5). Bài thơ này và nhiều tác phẩm khác của ông nay đều bị thất truyền. Những tác phẩm chữ Nôm vào thời Trần còn truyền lại đến nay là mấy bài ca ngợi cảnh Thiền của nhà vua Trần Nhân Tông và nhà sư Huyền Quang (Cư trần lạc đạo phú, Đá thú lâm tuyền thành đạo ca, Vịnh Hoa Yên tự phú) trong sách Thiền tông bản hạnh (bản khắc in sớm nhất còn lại là vào năm Cảnh Hưng 6, tức 1745).
Từ đó về sau, cho đến những thập niên đầu thế kỷ XX, trong đời sống xã hội Việt Nam, chữ Hán và chữ Nôm vẫn luôn luôn sóng đôi tồn tại trong sự phân biệt và phối hợp sử dụng một cách hợp lý và có hiệu quả. Vai trò của chữ Hán và chữ Nôm ở Việt Nam trong quá khứ có thể được hình dung một cách khái quát như sau:
2. Vai trò của chữ Hán
Trong suốt hơn một ngàn năm Bắc thuộc, chữ Hán chiếm địa vị độc tôn ở Việt Nam. Theo sử sách ghi lại, từ thế kỷ XII đến thế kỷ IX, có một loạt trí thức người Việt cầm bút lông viết ngữ lục hoặc văn phú bằng chữ Hán. Một nhân vật tiêu biểu trong số họ là Khương Công Phụ (thế kỷ VIII), người Ái Châu (Thanh Hoá), từng sang thi Tiến sĩ ở Trung Hoa và đã đỗ đầu khoá với một bài phú và một bài văn sách chữ Hán (theo Toàn Đường văn, Q.446). Tuy nhiên, các văn bản chữ Hán của người Việt ở thời kỳ này lưu lại cho đến nay rất ít ỏi, mà truyền bản đều ở nước ngoài.
Điều đáng được lưu ý là chính vào thời kỳ các dân tộc Việt Nam giành được quyền độc lập tự chủ, vào lúc họ bắt tay xây dựng chính quyền của mình theo hình mẫu nhà nước phong kiến Trung Hoa thì chữ Hán mới được người Việt chủ động sử dụng một cách phổ biến và có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam. Vai trò, chức năng của chữ Hán từ đó cho đến mãi về sau này được thể hiện như sau:
(1)Trước hết, trong lĩnh vực hành chính, các triều đại phong kiến Việt Nam, từ nhà Đinh (thế kỷ X) đến nhà Nguyễn (thế kỷ XX), luôn luôn sử dụng chữ Hán trong các giấy tờ chính thức của các cấp chính quyền. Từ chiếu chỉ, đạo dụ, sắc phong, cáo hịch… của triều đình ban ra cho đến tấu, biểu, đơn từ, v.v… của cấp dưới và dân chúng trình lên, hết thảy đều viết bằng chữ Hán. Người dân thường không biết chữ nên nếu có việc đều phải nhờ cậy hoặc thuê mướn người có học viết đơn từ hộ. Thảng hoặc lắm mới có một bức chỉ dụ, thư từ của vua (như trường hợp vua Quang Trung viết thư cho Nguyễn Thiếp, và phê vào đơn của các nho sĩ Bắc Hà) hoặc đơn từ, tờ tâu của dân chúng viết bằng chữ Nôm thuần tuý. Tiêu biểu cho các văn bản hành chính bằng chữ Hán là Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi (viết thay Lê Lợi), bộ Châu bản triều Nguyễn, tập hợp hơn 50.000 văn bản từ thời Gia Long đến thời Bảo Đại (hiện được lưu giữ tập trung tại Cục Lưu trữ Trung ương, Hà Nội).
(2) Cùng với hành chính là giáo dục và thi cử, trong đó từ sách vở kinh điển thánh hiền đạo Nho cho đến các loại văn bài trường ốc, đều bằng chữ Hán. Việc đào tạo nhân tài cho đất nước theo con đường Nho học được thực hiện một cách chủ động từ thời nhà Lý. Năm 1070, thời Lý Thánh Tông (1054 -1072) cho xây Văn Miếu – Quốc tử giám ở Thăng Long làm nơi học tập Hán văn cho hoàng thái tử. Và năm 1075 dưới thời Lý Nhân Tông (1072 – 1128), việc tuyển lựa hiền tài theo Nho học lần đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức. Từ đó cho đến năm 1919 là năm mở khoá thi Hội cuối cùng (ở Huế), cả nước có tất cả 2.898 người đỗ đại khoa và đây là lực lượng trí thức chủ yếu gây dựng nền văn hiến cổ điển Việt Nam qua nhiều thế kỷ.
(3) Văn hoá thành văn (bao gồm các tác phẩm về lịch sử, địa lý, văn học, tôn giáo, tín ngưỡng, v.v…) của Việt Nam trong quá khứ được hình thành trước hết từ chất liệu chữ Hán. Bộ Đại Việt sử ký do sử thần Lê Văn Hưu hoàn thành năm 1272 dưới thời Trần Thánh Tông (1258 – 1278) là bộ chính sử đầu tiên ở Việt Nam, gồm 30 quyển, nay đã thất truyền, nhưng nó đã được kế thừa và phát triển qua các bộ chính sử có quy mô lớn hơn vào các triều đại sau như: Đại Việt sử ký toàn thư khắc ván in năm Chính Hoà 18 (1697) thời nhà Lê, Đại Việt sử ký tiền biền khắc in xong năm Cảnh Thịnh 8 (1800) thời Tây Sơn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục hoàn thành năm Tự Đức 34 (1881) thời nhà Nguyễn, v.v… Tương tự vậy, thời Lý có bộ luật Hình thư ban hành năm 1042, thời Trần có bộ Quốc triều hình luật ban hành năm 1244, nhưng đều thất truyền. Nay còn lại các bộ luật nổi tiếng như Quốc triều hình luật ban hành năm 1489 thời Lê Thánh Tông (còn gọi là Luật Hồng Đức), Hoàng triều luật lệ của nhà Nguyễn ban hành năm 1815 (còn gọi là Luật Gia Long), v.v… Nhiều công trình khảo cứu, ghi chép và mô tả thực tế con người và đất nước Việt Nam đã lần lượt xuất hiện dưới ngọn bút Hán văn thành thục của Lê Hữu Trác (1724 -1791), Lê Quý Đôn (1726 – 1784), Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780), Ngô Thì Nhậm (1782 – 1840), v.v… Với chữ Hán, văn nhân nước Việt cũng đã tạo nên một nền văn chương có đủ các thể loại, đặc biệt là thơ phú và truyện ký. Về thơ thì hầu như không một bậc Nho học và Phật học nào của nước ta là không làm thơ chữ Hán. Riêng về truyện ký, đáng kể nhất là tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (giữa thế kỷ XVI) gồm 20 truyện ngắn lấy đề tài từ xã hội Việt Nam thời bấy giờ; bộ tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái phản ánh thời kỳ tao loạn trong lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, và một loạt truyện ký, tiểu thuyết Hán văn khác, đặc biệt là của Phan Bội Châu (1867 – 1940), v.v… Không chỉ với Nho gia, chữ Hán cũng là phương tiện quan trọng để truyền bá kinh sách đạo Lão, đạo Phật ở Việt Nam. Chữ Hán đã thâm nhập khá sâu vào các đền thờ, miếu mạo, chùa chiền và cả các di tích, danh lam… Đó là thứ văn tự đầy vẻ trang nghiêm, thích hợp cho việc làm văn bia để ghi tạc công đức và thờ cúng người xưa, khắc lên hoành phi, câu đối để trang trí nơi công cộng và cả tư gia. Dĩ nhiên, ở những không gian và môi trường văn hoá này, người Việt cũng sử dụng cả chữ Nôm.
3. Vai trò của chữ Nôm
Khi chữ Nôm ra đời và dần dần được hoàn thiện một cách tự phát ở người sử dụng (mà đồng thời cũng là người sáng tạo) thì chữ Hán đã có một lịch sử “cư trú” lâu đời và phục vụ đắc lực cho xã hội người Việt trong nhiều lĩnh vực của đời sống tinh thần, đặc biệt là trong công việc hành chính và đào tạo nhân tài cho đất nước. Đây không hẳn là do uy tín của bản thân chữ Hán, mà là do ưu thế của một nền văn hoá Trung Hoa có sức lan toả trong khu vực thời trung đại thông qua chữ Hán mà người Việt cũng như nhiều dân tộc khác đã từ bị động đến chủ động tiếp nhận. Cho nên, sẽ là không thoả đáng nếu đặt ra cho chữ Nôm nhiệm vụ phải giành giật lại cho mình những vai trò mà chữ Hán từ lâu đã nắm giữ một cách xứng đáng. Trong lịch sử Việt Nam cũng đã từng có một vài vị vua quan tâm đến chữ Nôm, muốn sử dụng nó trong giao dịch hành chính (như Hồ Quý Ly, Nguyễn Huệ) và có cả những trí thức muốn cải cách văn tự, dùng chữ Nôm thay cho chữ Hán (như Nguyễn Trường Tộ trong Tế cấp bát điều dâng vua Tự Đức). Song, tất cả những ý tưởng và thử nghiệm rất đáng trân trọng đó đều chỉ thoảng qua và chưa kịp để lại một dấu ấn gì rõ rệt cho chữ Nôm. Vậy thì, trong những bối cảnh như thế, chữ Nôm đã “thi thố” khả năng của mình ra sao để có thể cũng với chữ Hán góp phần xây dựng nền văn hiến cổ điển Việt Nam?
(1) Trước hết, có những lĩnh vực mà chữ Hán tỏ ra yếu thế, thậm chí là bất lực và phải nhường chỗ cho chữ Nôm thực hiện vai trò của mình. Ít nhất có ba lĩnh vực sau đây để chữ Nôm phát huy khả năng của mình một cách tối ưu:
(a) Người Việt, cũng như nhiều dân tộc khác, từ lâu trước khi có chữ viết, họ đã có một kho tàng văn hoá truyền miệng phong phú và đa dạng. Đó là những câu chuyện kể, những lời ca tiếng hát, những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố, v.v… lưu truyền trong dân gian. Rõ ràng là để ghi chép, sưu tập, chỉnh lý kho tàng văn hoá truyền miệng bằng tiếng Việt này, không gì thích hợp và trung thực hơn là trực tiếp dùng chữ Nôm (chứ không phải dịch sang Hán văn). Và trên thực tế cũng đã có không ít những sưu tập như thế được thực hiện bằng chữ Nôm, như sách Lý hạng ca dao chép 256 bài ca dao; sách Nam quốc phương ngôn tục ngữ bị lục gồm 27 mục chép các bài ca dao, tục ngữ, câu đố; sách Nam ca tân truyện ghi lại các bài hát cổ theo các điệu ca ở Huế v.v… Có thể kể vào đây một loạt các vở tuồng cổ và chèo cổ như Văn Duyên diễn hí, Trương Viên diễn ca, Lưu Bình trò, v.v…
(b) Chữ Nôm được viết dưới hình thức văn vần là một cách thích hợp và hiệu quả nhất cho việc phổ cập, truyền bá các tri thức thuộc mọi lĩnh vực khác nhau. Trước hết, đó là những bộ sách diễn ca lịch sử như Việt sử diễn âm (thế kỷ XVI), Thiên Nam minh giám (nửa đầu thế kỷ XVII), Thiên Nam ngữ lục (nửa cuối thế kỷ XVII), Đại Nam quốc sử diễn ca (thế kỷ XIX) v.v… Quả thật, đa số dân chúng không biết chữ Hán và chữ Nôm, nhưng nhờ có những tác phẩm văn vần chữ Nôm như vậy mà họ được nghe đọc, nhiều lần thì nhập tâm mà thuộc lòng từng đoạn, có khi cả tác phẩm dài hàng ngàn câu. Cũng tương tự như vậy đối với các tác phẩm chữ Nôm “diễn ca” hoặc “diễn âm”: về luật lệ như Hoàng Việt luật lệ toát yếu diễn ca, về y học như Chẩn đậu diễn ca, v.v…
(c) Vai trò nổi bật của chữ Nôm được thể hiện trong các sáng tác văn chương. Mặc dù văn nhân mọi thời đều đã dùng chữ Hán để làm thơ, viết truyện, song chỉ với chữ Nôm, người Việt mới có điều kiện để làm nên những tác phẩm văn học bất hủ của dân tộc. Tập thơ Nôm có niên đại sớm nhất còn lại đến nay là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (1380 – 1442), sau đó là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) với Bạch Vân am quốc ngữ thi. Điều đặc biệt là, nếu như với chữ Hán, ta đã có những tập truyện ngắn và tiểu thuyết văn xuôi, thì với chữ Nôm, ta hầu như lúc nào cũng có thể bắt gặp văn vần đủ các thể loại. Nổi bật và có nhiều thành tựu nhất là thơ ca trường thiên theo thể lục bát và song thất lục bát. Chính với hai thể thơ này mà vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX văn học cổ điển Việt Nam đạt tới những đỉnh cao mà thế giới đã biết đến: đó là Chinh phụ ngâm khúc của Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748), Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) của Nguyễn Du (1766 – 1820) . Với thơ ca chữ Nôm, ta còn gặp các tên tuổi sáng tác khác nữa từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XX như Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, v.v… Chính nhờ họ mà tiếng Việt đã được trau giồi trên cơ sở hấp thu hai nguồn ngữ liệu: ngữ liệu chữ Hán và ngữ liệu văn hoá dân gian Việt để trở thành một nền văn chương trong sáng và giàu sức biểu hiện.
(2) Mặt khác, chữ Nôm không phải bao giờ cũng “độc lập tác chiến”, mà đã biết phối hợp cùng chữ Hán để tạo nên các tác phẩm cụ thể, hộ trợ cùng nhau để sáng tạo và lưu truyền văn hoá. Có thể nhận thấy điều này qua những hiện tượng sau đây:
(a) Không kể những trường hợp một số chữ Nôm lẻ tẻ có thể xuất hiện bất kỳ trong các tác phẩm Hán văn bác học khi cần thiết thì trong dân gian chữ Nôm hầu như thường xuyên được dùng xen kẽ với chữ Hán để ghi chép sinh hoạt làng xóm, hương ước, địa chí, thần phả, tộc phả, sổ sách, đơn từ, khế ước, v.v… Bên cạnh chữ Hán, chữ Nôm cũng xuất hiện trong các câu đối, hoành phi, bia đá, chuông đồng ở đình chùa miếu mạo… Còn có cả một thể loại thơ ca rất được lớp nho sĩ bình dân ưa chuộng là hát nói (trong ca trù), trong đó giữa những lời hát thuần chữ Nôm tiếng Việt thường xen kẽ mấy câu đặc chữ Hán.
(b) Chữ Nôm còn được sử dụng một cách đắc lực vào việc phiên chuyển văn bản và phổ biến văn hoá thành văn. Chẳng hạn như sau:
Các kinh sách cổ điển của đạo nho, đạo Lão, đạo Phật từ Hán văn có thể được chuyển dịch sang chữ Nôm theo hai cách: Hoặc là lược thuật đại ý và chuyển thành văn vần chữ Nôm để dễ phổ cập (như sách Luận ngữ thích nghĩa ca diễn Nôm thể lục bát 20 thiên sách Luận ngữ); hoặc là trực dịch từng câu Hán văn sang câu chữ Nôm (như sách Thi kinh giải âm dịch nghĩa toàn bộ hơn 300 bài thơ trong Thi kinh sang chữ Nôm). Một số văn bản từ các ngôn ngữ phương Tây đôi khi cũng được lược dịch sang văn xuôi chữ Nôm, như bộ Các Thánh truyện (1646) do Jeronijimo Maijorica chủ biên (12 tập, hiện còn 11 tập, 1.672 trang).
Tương tự như vậy, một số tác phẩm văn xuôi chữ Hán của Việt Nam cũng được người đời sau phiên chuyển sang văn xuôi chữ Nôm theo kiểu trực dịch từng câu. Tiêu biểu là bản “giải âm” tương truyền của Nguyễn Thế Nghi (cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII) cho bộ Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (giữ thế kỷ XVI) và phần dịch chữ Nôm trong tác phẩm Cổ Châu Phật bản hạnh ngữ lục (thế kỷ XVI) mà bản khắc hiện còn lưu trữ tại chùa Dâu.
Có một loạt các sách công cụ, trong đó chữ Nôm được dùng để giải nghĩa các từ ngữ chữ Hán, được soạn ra theo các thể văn vần. Sử dụng các bộ sách này, người ta đồng thời học được chữ Hán lẫn chữ Nôm. Thuộc vào loại này có thể kể đến các sách như Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa (thế kỷ XIV và XVII), Tam thiên tự giải âm của Ngô Thì Sĩ (thế kỷ XVIII), Nhật dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ (thế kỷ XVIII), Tự học giải nghĩa ca thời Tự Đức (thế kỷ XIX), Đại Nam quốc ngữ của Nguyễn Văn San (thế kỷ XIX), v.v…
4. Vài nhận xét bổ sung
Ở đây, cần phải lưu ý thêm một điều là chữ Hán và chữ Nôm ở Việt Nam, dù được sử dụng chuyên biệt hay trong sự phối hợp với nhau, đều có thể được định hình như nhau bằng đủ các phương thức thủ công cổ truyền. Các phương thức định hình chủ yếu là: (a) Viết tay bằng bút lông lên giấy, vải, lụa, hoặc bất kỳ một mặt phẳng nào có thể được; (b) Dùng dao, đục… khắc lên các vật rắn như gỗ, đá, đồng… để tạo thành các bản văn khắc (bia, chuông, biển, v.v…); (c) Dùng gỗ khắc chữ ngược lên ván gỗ tạo nên các khuôn in để in ấn hàng loạt trên giấy. Chính nhờ phương thức in ấn thủ công này mà các tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm của người Việt được nhân bản và lưu truyền rộng rãi. Điều này kích thích sự phát triển nền văn hiến chữ Hán và chữ Nôm trong quá khứ, kể từ thời trung đại về sau. Cho đến những năm đầu thế kỷ XX, nhiều nhà sách vẫn tổ chức khắc ván in đi in lại nhiều tác phẩm Hán-Nôm và bán ra rất chạy trên thị trường sách đương thời.
Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, ngay từ thế kỷ XI trở đi, khi người Việt chủ động sử dụng chữ Hán cho công việc của mình, họ bắt đầu đọc chữ Hán theo cách phát âm cuối Đường đầu Tống và dần dần thoát ly khỏi cách phát âm chữ Hán ở quê hương của nó, ngả dần theo sự chi phối ít nhiều của ngữ âm tiếng Việt. Đó là cách phát âm Hán – Việt. Với cách phát âm này, tiếng Hán và cả chữ Hán trở nên rất quen thuộc với người Việt, cảm giác “ngoại ngữ” đối với nó đã mờ nhạt dần. Bởi vậy, một điều đương nhiên là chữ Nôm ra đời không phải để tẩy chay chữ Hán, mà chỉ là để cùng với chữ Hán đảm nhiệm những phần việc cần thiết của mình đối với đời sống xã hội người Việt Nam, như những gì đã được trình bày ở trên.
Từ đầu thế kỷ XX trở lại đây, chữ Việt phiên âm theo tự mẫu La-tinh (quen gọi là chữ Quốc ngữ), đã dần dần thay thế vai trò của chữ Hán và chữ Nôm trong hầu hết các chức năng xã hội của chúng. Tuy nhiên, với bề dày của nền văn hiến Hán Nôm, chức năng thể hiện và chuyển tải văn hoá cổ truyền của chữ Hán và chữ Nôm sẽ không bao giờ bị xoá nhoà. Trong lòng người dân Việt Nam hôm nay, chữ Hán và chữ Nôm vẫn luôn luôn là chiếc cầu nối thiêng liêng giữ quá khứ với hiện tại và tương lai trong đời sống văn hoá của tất cả họ, kể cả tầng lớp trí thức, lẫn người dân bình thường.
Tài liệu tham khảo
Đào Duy Anh. Chữ Nôm – nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975.
Nguyễn Tài Cẩn. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, NXB Khoa học xã hội, 1979.
Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loạt chí. Sách chữ Hán chép tay, 49 quyển. Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm. (A. 1551/ 1-8)
Trần Văn Giáp. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (Thư tịch chí Việt Nam). Tập I, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1984; Tập II, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.
Nguyễn Quang Hồng (chủ biên). Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (Tuyển chọn và lược thuật). NXB Khoa học xã hội, 1992.
Nguyễn Quang Hồng. “Di sản Hán Nôm nhìn từ góc độ của khoa học ngữ văn”. Tạp chí Hán Nôm, 1987, N.2.
Trần Nghĩa, Francois Gros (chủ biên). Di sản Hán Nôm Việt Nam (Thư mục đề yếu). Ba tập. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
Ngô Đức Thọ (chủ biên). Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 – 1919). NXB Văn học, Hà Nội, 1993.
Bài viết này của GS. TSKH. Nguyễn Quang Hồng là tham luận trình bày tại Hội thảo kỷ niệm 50 năm thành lập Hội văn hoá chữ Hán ở Nhật Bản, Tokyo, 3/1999. Đăng tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, 1999, N.5 (43). Chúng tôi đã được sự đồng ý của tác giản để đăng lại bài viết này trên webiste của Digitizing Việt Nam
Một nhu cầu cấp thiết đang đặt ra cho những người làm công tác khoa học trong lĩnh vực Hán Nôm là phải đổi mới tư duy lý luận, nâng cao nhận thức lý thuyết về đối tượng quản lý và nghiên cứu của mình. Có như vậy mới có thể xây dựng được cơ sở khoa học cho việc định hướng, xác lập và tổ chức các hoạt động khoa học trên những quy mô rộng lớn, cũng như trên từng đề tài và công việc cụ thể.
Bước đầu đề cập vấn đề này, chúng tôi tạm chưa đi sâu vào mọi khía cạnh, mọi chi tiết của nó, mà chủ yếu xuất phát từ phương pháp luận khoa học ngữ văn, kết hợp với tình hình thực tế có thể quan sát được ở nước ta, cố gắng xác lập những cách nhìn khái quát và cần thiết đối với di sản Hán Nôm, góp phần hình dung và định hướng các hoạt động khoa học trên tư liệu Hán Nôm, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ các di sản ngữ văn của dân tộc.
1. Di sản Hán Nôm trong toàn bộ di sản ngữ văn của dân tộc Việt Nam
Di sản văn hoá nói chung của một dân tộc, một đất nước, có thể bao gồm nhiều thành phần, nhiều kiểu loại khác nhau, từ văn hoá vật chất đến văn hoá tinh thần, văn hoá vật thể đến văn hoá phi vật thể. Trong kho tàng những di sản văn hoá tinh thần phi vật thể và có thể cả vật thể của một dân tộc thì chiếm một vị trí quan trọng là những di sản mang tính chất ngữ văn.
Ngữ văn, theo cách hiểu của khoa học ngày nay, là toàn bộ những phát ngôn do con người tạo ra bằng phương tiện ngôn ngữ. Mỗi phát ngôn mà được hoàn chỉnh và định hình bằng cách nào đó được gọi là một tác phẩm ngôn từ (gọi tắt là ngôn từ). Tuỳ theo cách thức định hình vật chất, ta có thể phân chia các ngôn từ thành nhiều loại hình khác nhau: ngôn từ nói miệng, ngôn từ viết tay, ngôn từ in ấn, v.v… (1)
Khi một dân tộc nào đó chưa đặt ra được chữ viết cho ngôn ngữ của mình, mà cũng chưa biết mượn dùng ngôn ngữ văn tự của một dân tộc nào khác thì mọi tác phẩm ngôn từ của họ chỉ là những lời nói miệng. Và trong tình trạng đó, di sản ngữ văn của họ chỉ có thể là những ngôn từ truyền miệng mà thôi (như: thành ngữ, tục ngữ, ca dao, vè, truyện kể, v.v…). Nhưng một khi họ đã biết sử dụng chữ viết (bất kể là tạo ra hay vay mượn của dân tộc khác) để viết nên những ngôn từ thành văn – tức là những văn bản (hiểu theo nghĩa gốc của từ này) thì nền văn hoá tinh thần của dân tộc đó bắt đầu bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn có văn hiến (cũng hiểu theo nghĩa gốc của từ này).
Cũng cần lưu ý rằng, các tác phẩm ngôn từ thuộc di sản ngữ văn của một dân tộc là truyền miệng hay thành văn, có thể là được tạo ra và tồn tại một cách tự thân (như: tục ngữ, câu đố, ca dao, sách vở, công văn, thư từ, v.v…) nhưng cũng có thể là kèm theo cùng các loại hình di sản văn hoá khác (chẳng hạn: lời ca trong dân gian, các bài văn, bài thơ, câu đối, khắc ở bia ở chuông, tháp, đền chùa, lâu đài, v.v…)
Từ sự hình dung trên đây về di sản ngữ văn nói chung, nhìn vào thực tiễn hoạt động ngôn ngữ - văn tự ở Việt Nam, ta dễ dàng nhận thấy rằng, trong toàn bộ di sản ngữ văn nước ta, có mặt đầy đủ tất cả các loại hình ngôn tử kể trên, bao gồm những kho tàng ngôn từ truyền miệng dân gian khá phong phú và đa dạng, cùng với kho tàng các văn bản chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ và nhiều thứ chữ khác của các dân tộc, được viết tay và nhân bản bằng phương pháp thủ công (chủ yếu là khắc, in mộc bản), do nhiều thế hệ người các dân tộc Việt Nam tạo ra và lưu truyền đến ngày nay.
Chỉ xét về mặt loại hình ngôn ngữ - chữ viết thì các di sản ngôn từ thành văn của nước ta có thể phân biệt với nhau theo hai bước như sau:
- Ở bước thứ nhất ta có: (A) – các văn bản được viết vằng văn tự thuộc hệ chữ cái La-tinh, phân biệt với (B) – các văn bản không thuộc hệ chữ cái La-tinh.
- Ở bước thứ hai ta có: (B1) – các văn bản được tạo ra từ các văn tự theo hệ chữ vuông (chữ Hán, chữ Nôm của người Việt và các dân tộc anh em như Tày, Mèo, Dao) phân biệt với (B2) – các văn bản không thuộc hệ chữ La-tinh nhưng cũng không thuộc hệ chữ vuông Hán (mà chủ yếu là thuộc hệ chữ Phạn như văn tự cổ của các dân tộc Thái, Chăm, Khmer, v.v…).
Dĩ nhiên là không loại trừ khả năng có những tác phẩm trong đó người ta đã sử dụng đồng thời mấy thứ ngôn ngữ - văn tự khác nhau. Chẳng hạn: trong kho sách của Viên Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội hiện nay, có không ít tác phẩm thuộc loại “giải âm”, “diễn nghĩa” từ Hán sang Nôm và cả chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, v.v… Đối với các văn bản loại này, phải tuỳ theo mức độ và tính chất của sự phối hợp hay xen kẽ thứ chữ này với thứ chữ khác mà tiến hành phân biệt, xử lý cụ thể.
Sự phân biệt các di sản ngôn từ thành văn của nước ta theo tiêu chí loại hình ngôn ngữ - văn tự như trên đây tuyệt nhiên không phải chỉ là một thao tác thuần tuý hình thức. Thực ra trong đó có phản ánh những nhân tố lịch sử - văn hoá rất quan trọng. Ở bước thứ nhất, khi phân biệt các văn bản thuộc hệ chữ cái La-tinh (A) với những văn bản còn lại không thuộc hệ chữ này (B), chúng ta cũng đồng thời phân biệt trên đại thể một đằng là các văn bản xuất hiện từ thời cận đại về sau trong quan hệ tiếp xúc với văn minh phương Tây (châu Âu); và đằng khác là những văn bản ra đời trong quan hệ tiếp xúc với văn minh phương Đông (châu Á) vốn gắn liền với lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam từ thời cổ đại, trung đại cho đến những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX. Ở bước thứ hai, khi phân biệt các văn bản thuộc hệ chữ vuông Hán (B1) với những văn bản phi La-tinh khác mà không thuộc hệ chữ vuông (B2), chúng ta cũng đồng thời tìm thấy mối liên hệ giữa sự phân biệt theo hệ chữ viết như thế với hai nền văn hiến khác nhau mà các dân tộc Việt Nam đã tiếp thu: văn hiến Trung Hoa (đối với B1) và văn hiến Ấn Độ (đối với B2) (2) .
Đến đây thì sự hình dung lý thuyết xét từ góc độ ngữ văn học đối với Di sản Hán Nôm hầu như đã được rõ nét. Đó là những tác phẩm ngôn từ thành văn do người Việt Nam tạo ra hoặc tham gia sáng tạo, chủ yếu dựa vào ngôn ngữ - văn tự Hán cổ và ngôn ngữ - văn tự của các dân tộc Việt Nam thuộc hệ chữ vuông (các loại chữ Nôm) được định hình và nhân bản bằng các phương tiện thủ công (viết tay, chạm khắc, khắc in mộc bản, v.v…), làm thành một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản thành văn của các dân tộc Việt Nam.
Đối với với kho tư liệu thực tế các văn bản Hán Nôm mà chúng ta hiện có thì sự hình dung lý thuyết nêu ra trên đây là phù hợp và bao quát được hầu hết các hiện tượng vẫn được coi là di sản Hán Nôm. Dĩ nhiên là có thể gặp một số trường hợp ngoại lệ mà ở đó sự định hình và lưu truyền các văn bản có mang những “số phận” đặc biệt (3).
Di sản Hán Nôm trước hết vẫn là một phạm trù văn hoá – lịch sử. Cho nên không phải bất kỳ văn bản hay hiện tượng chữ Hán, chữ Nôm nào cũng đều được coi là di sản Hán Nôm. Giới thuyết vừa nêu ra trên đây về di sản Hán Nôm đã gạt ra ngoài phạm vi của nó một ít những hiện tượng Hán Nôm, mà chủ yếu muốn nói đến ở đây là các văn bản chữ Hán, chữ Nôm do người Việt Nam ngày nay viết ra trong những trường hợp đặc biệt nào đó (và có thể cả những văn bản Hán Nôm do người nước ngoài viết về Việt Nam), mặc dù xét trên quan điểm thuần tuý ngữ văn học thì những tư liệu Hán Nôm này cũng không kèm phần giá trị. Cho nên, khi có sự cần thiết, khái niệm “Di sản Hán Nôm” phải được phân biệt với tất cả các hiện tượng Hán Nôm nói chung. Song, sự phân biệt này không nhằm mục đích gạt bỏ cái gì ra khỏi phạm vi quản lý và nghiên cứu của chúng ta, mà chỉ giúp đỡ cho việc xử lý cụ thể các tư liệu Hán Nôm được thoả đáng hơn trong công tác sưu tầm và nghiên cứu của chúng ta.
2. Ngữ văn học Hán Nôm và ngữ văn học cổ điện Việt Nam
Di sản Hán Nôm, như cách chúng ta hình dung trên đây, là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ các di sản ngữ văn của dân tộc Việt Nam. Tiếp xúc với di sản Hán Nôm, chúng ta đồng thời cũng tiếp xúc với trí tuệ và tấm lòng của bao thế hệ cha ông trên hầu khắp mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta trước đây. Bởi vậy, di sản Hán Nôm và tư liệu Hán Nôm nói chung cùng một lúc có thể làm khách thể nghiên cứu cho nhiều ngành khoa học khác nhau. Qua tư liệu Hán Nôm, các nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực như triết học, sử học, dân tộc học, xã hội học, địa lý học, nông học, sinh học, y học, toán học, v.v… có thể tìm thấy những thông tin cần thiết, nhiều cứ liệu quan trọng và những dối tượng thích hợp cho công việc nghiên cứu của mình. Nhưng trước hết và đồng thời với sự quan tâm của tất cả các nhà chuyên môn thuộc những lĩnh vực khoa học khác nhau như thế (từ khoa học xã hội đến khoa học tự nhiên), các tư liệu Hán Nôm cần phải được kinh qua bàn tay xử lý khoa học của những nhà nghiên cứu lĩnh vực ngữ văn học cổ điển Việt Nam.
Ngữ văn học – theo cách hiểu hiện nay mà chũng tôi lĩnh hội được – là ngành khoa học nghiên cứu mọi hiện tượng ngôn từ trong tất cả các hình thái biểu hiện của chúng, và trong mốn liên quan biện chứng – lịch sử giữa các yếu tố hình thức với nội dung của tác phẩm ngôn từ (4).
Ở đây, chúng tôi không đi sâu thuyết minh mọi khía cạnh của định nghĩa này mà chỉ nhấn mạnh một vài điểm mấu chốt sau đây: Thứ nhất, cần tránh xu hướng chỉ coi trọng tác phẩm văn chương: khoa ngữ văn học quan tâm đến mọi hình thái ngôn từ, kể cả ngôn từ khoa học, công văn, thư từ, sổ sách, tin tức, v.v… Thứ hai, khoa học ngữ văn nói chung không đi sâu vào khai thác mọi giá trị về nội dung chuyên biệt do ngôn ngữ truyền tải (vì đây là nhiệm vụ của các ngành khoa học và chuyên môn khác nhau) mà chủ yếu quan tâm đến mặt ngôn ngữ - văn tự của ngôn từ, bao gồm việc giải thuyết các nội dung ngữ nghĩa trong mối liên hệ biện chứng và lịch sử với các yếu tố hình thức (bao gồm ngôn ngữ, chữ viết và các phương thức định hình) của nó.
Đôi khi người ta hình dung một cách đơn giản rằng: ngữ văn học là cách gọi tắt hay là sự tổng hợp hai ngành ngôn ngữ học và văn học. Thực ra, nội dung mà thuật ngữ ngữ văn học (tiếng Hy Lạp: philologié) bao hàm là rất xê dịch trong lịch sử phát triển khoa học từ cổ đại đến hiện đại. Chỉ từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, người ta mới có xu hướng gắn liền thuật ngữ này không những với ngôn ngữ học (như các nhà ngữ văn học thế kỷ XIX đã hình dung) mà còn cả với khoa văn học. Cần lưu ý rằng, khoa văn học sở dĩ vẫn được xếp vào phạm vị của ngữ văn học không phải là vì nó quan tâm đến tính nghệ thuật, đến nội dung tư tưởng – thẩm mỹ của tác phẩm (về mặt này hẳn là phải xếp văn học vào lĩnh vực các khoa học về nghệ thuật), mà chủ yếu là vì nó cần phải quan tâm trước hết đến mặt ngôn ngữ - văn tự của tác phẩm, đến cái chất liệu bằng tiếng bằng chữ qua bàn tay nhào luyện của tác giả - nhà nghệ sĩ ngôn từ. Chính ở phương diện thứ hai này, văn học mới có mối liên quan chặt chẽ với ngôn ngữ học, là bộ môn khoa học làm nên phần cốt lõi cho ngữ văn học nói chung. Thế nhưng, nếu như văn học lấy các tác phẩm ngôn từ nghệ thuật và tính thẩm mỹ của chúng làm đối tượng khảo sát và miêu tả chính, thì ngôn ngữ học cho đến nay vẫn quan tâm trước hết đến các đơn vị ngôn ngữ và hệ thống của chúng với tư cách là phượng tiện thể hiện tư duy và giao tiếp của con người trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội. Mặc dù ngôn ngữ học (và liên quan đến nó là văn tự học) có vị trí rất quan trọng như vậy nhưng nó vẫn không thay thế được và không đảm nhiệm được hết mọi nghiệm vụ đặt ra cho các chuyên ngành ngữ văn học khác như văn bản học, thư thịch học, v.v… là những chuyên ngành trong đó lấy bản thân các văn bản, các tác phẩm ngôn từ thuộc mọi lĩnh vực làm đối tượng chính.
Từ cách nhìn nhận chung trên đây về khoa học ngữ văn, hãy trở lại với di sản Hán Nôm của chúng ta. Đó thật sự là một khách thể nghiên cứu vô cùng phong phú và đa dạng cho ngữ văn học cổ điển nước ta (5). Xuất phát từ những yêu cầu của cách mạng tư tưởng – văn hoá và cách mạng khoa học - kỹ thuật nước ta, tuân theo những quy luật khách quan trong sự phát triển của khoa học xã hội, từ kho tàng tư liệu Hán Nôm, chúng ta có thể xác lập một loạt các chuyên ngành ngữ văn học chuyên nghiên cứu các hiện tượng Hán Nôm với những đối tượng và nhiệm vụ khác nhau. Không kể những gì vốn làm thành đối tượng thực sự của bộ môn ngôn ngữ học lịch sử tiếng Việt hay bộ môn văn học cổ điển Việt Nam mà mọi người đều đã biết, theo chúng tôi, trong phạm vi của ngữ văn học Hán Nôm còn nổi bật lên ba chuyên ngành sau đây:
1. Văn tự học Hán Nôm: Nghiên cứu về chữ Hán và nhất là chữ Nôm trong văn bản Hán Nôm của các dân tộc Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển, tiến hành mô tả và so sánh các hệ thống chữ Nôm đó, xác lập mối liên hệ giữa chúng với các hệ thống cổ tự khối vuông khác trong khu vực. Giải quyết những vấn đề lý luận và kỹ thuật đặt ra trong việc biên soạn các bộ tự điển chữ Hán, chữ Nôm, các bảng tra cứu tư liệu Hán Nôm theo hệ thống các văn tự khối vuông, v.v...
2. Văn bản học Hán Nôm: Nghiên cứu toàn diện về lịch sử và sự tồn tại văn bản các tác phẩm Hán Nôm. Tìm hiểu những vấn đề khái quát cũng như những vấn đề cụ thể về sự hình thành, nhân bản, tàng trữ và lưu truyền các văn bản Hán Nôm. Có thể đi sâu khảo cứu các văn bản của một tác phẩm hay các tác phẩm của một tác giả, hoặc nhiều tác phẩm, nhiều tác giả cùng một thời hoặc ở những thời kỳ lịch sử khác nhau. Giải quyết những vấn đề chung và cụ thể đặt ra trong việc xử lý các văn bản Hán Nôm (giám định, hiệu đính, chú giải, phiên âm, phiên dịch…) nhằm mục đích công bố và sử dụng tác phẩm, v.v…
3. Văn tịch học Hán Nôm (6): Nghiên cứu việc phân loại và hệ thống hoá các văn bản và tác phẩm Hán Nôm. Xác định đặc trưng của từng loại hình văn bản về nội dung cũng như hình thức. Nghiên cứu và xác lập các phương thức hệ thống hoá văn bản. Giải quyết những vấn đề chung và cụ thể đặt ra trong việc xây dựng các bộ sưu tập văn bản và tác phẩm, các bảng tra cứu tư liệu Hán Nôm, v.v…Đây là lĩnh vực kế thừa của thư tịch học và thư mục học truyền thống, đồng thời là cơ sở để tiến hành hiện đại hoá (kể cả tin học hoá) công tác thông tin tư liệu Hán Nôm.
Như vậy, mỗi chuyên ngành trên đây có đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu riêng, và trong mỗi chuyên ngành cũng có thể đi sâu vào từng khía cạnh khác nhau. Điều này quy định xu hướng chuyên môn hoá cho cán bộ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Hán Nôm. Song mặt khác, các chuyên ngành ngữ văn học Hán Nôm không phải và không thể tách biệt với nhau hoàn toàn, mà bao giờ cũng liên quan chặt chẽ và hộ trợ cho nhau. Mối liên quan chặt chẽ này giữa các chuyên ngành Hán Nôm không những chỉ thể hiện trong khi tiến hành nghiên cứu cơ bản, mà còn thể hiện rõ rệt trong việc vạch ra và thực hiện những công trình biên soạn mang tính chất ứng dụng như các sách công cụ (chẳng hạn: lập ra các bảng tra cứu về văn bản và tác phẩm, về tác giả; soạn các bộ tự điển chữ Hán, chữ Nôm, các tập điển vựng về nhân danh, địa danh, quan chức, chữ huý trên tư liệu Hán Nôm, v.v..) và cả trong việc xây dựng các bộ sưu tập và tuyển tập tác phẩm, trong các công trình chú giải, phiên âm, phiên dịch và giới thiệu các tác phẩm Hán Nôm. Trong những công trình như thế thường phản ánh một cách tổng hợp các thành qủa nghiên cứu của nhiều chuyên môn trong lĩnh vực Hán Nôm và cả những thành tựu thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nữa (không chỉ là khoa học xã hội và nhân văn, mà cả khoa học tự nhiên và công nghệ).
Không thể có một ngành khoa học nào mà lại phát sinh và phát triển một cách riêng lẻ và khép kín hoàn toàn đối với các ngành khoa học khác trong nước và trên thế giới. Ngành ngữ văn học Hán Nôm cũng vậy, nó tuyệt nhiên không phải là một ngoại lệ đối với quy luật chung đó của khoa học. Các nhà ngữ văn học Hán Nôm không thể không quan tâm và tiếp thu những thành tựu và phương pháp của các ngành khoa học khác mà trước hết là các ngành sử học (lịch sử Việt Nam và Trung Quốc), ngôn ngữ học (lịch sử tiếng Việt và lịch sử tiếng Hán) cũng như tất cả các tri thức cần thiết về mối quan hệ lịch sử - văn hoá giữa các dân tộc trong khu vực. Cần nhấn mạnh rằng, do ưu thế của văn hiến Trung Hoa ở vùng Á Đông trong lịch sử cổ đại và trung đại, chữ Hán và Hán văn (văn ngôn) đã có mặt trong kho tàng ngữ văn cổ điển của rất nhiều dân tộc ở khu vực này. Điều này đã và đang đặt ra những vấn đề chung cho ngữ văn học cổ điển của nhiều nước trong khu vực (Việt Nam, Triều Tiên – Hàn Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản,…), đòi hỏi chúng ta phải quan tâm theo dõi và góp phần nghiên cứu. Ngoài ra, các nhà ngữ văn học Hán Nôm cũng cần phải thường xuyên tìm hiểu và trang bị cho mình những tri thức cần thiết về ngữ văn học đại cương, cũng như về lí luận văn tự học, văn bản học, thư viện học, thông tin học… tuỳ theo xu hướng chuyên môn hoá của mình. Ngược lại, với sự cố gắng không ngừng trong lĩnh vực chuyên môn và tiếp cận với các chuyên ngành khoa học khác, các nhà ngữ văn học Hán Nôm cũng có thể đóng góp đáng kể vào thành tựu và sự tiến triển của các ngành khoa học hữu quan. Ở đây, không có gì ngăn trở một nhà ngữ văn học Hán Nôm có tài năng sẽ đồng thời là một chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học khác.
Như đã trình bày ở phần đầu bài viết này, di sản Hán Nôm là phần chủ yếu song chưa phải là toàn bộ di sản ngữ văn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cho nên ngữ văn học Hán Nôm mặc dù là nền tảng, song dẫu sao vẫn chưa phải là toàn bộ ngành ngữ văn học cổ điển Việt Nam. Để có một bức tranh toàn cảnh về ngữ văn học cổ điển Việt Nam, chúng ta cần phải có một đội ngũ các nhà ngữ văn học chuyên nghiên cứu các di sản ngữ văn khác của nhiều dân tộc trên đất nước ta, mà trước hết là kho tàng văn bản bằng các văn tự cổ không thuộc hệ chữ vuông Hán và cũng không thuộc hệ chữ La-tinh, như văn tự cổ điển của người Thái, người Chăm, người Khmer ở nước ta, v.v… Cần nhận thức rằng, triển khai nghiên cứu các kho tàng văn bản cổ tự đó chẳng những phù hợp với lô gích nội tại trong sự phát triển khoa học ngữ văn ở nước ta, mà trước hết đó là một đòi hỏi cấp bách trong việc xây dựng và thực hiện chính sách văn hoá - dân tộc của nhà nước ta. Như vậy, bên cạnh di sản Hán Nôm, ngữ văn học cổ điển Việt Nam còn có một khách thể nghiên cứu khác cũng không kém phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, quang cảnh chung về các chuyên ngành khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu các văn bản cổ tự này trên đại thể vẫn còn có thể tiếp tục hình dung tương tự như đã trình bày trên đây về di sản Hán Nôm. Nghĩa là ở đây, chúng ta cũng thấy nổi bật lên các chuyên ngành như văn tự học, văn bản học, văn tịch học, v.v… Điều khác biệt cơ bản với ngữ văn học Hán Nôm là khi tiếp xúc với kho tàng văn bản bằng cổ tự Thái, Chăm, Khmer, v.v… chúng ta đồng thời tiếp xúc với những loại hình ngôn ngữ - văn tự khác hẳn, trong mối quan hệ văn hoá – lịch sử của các dân tộc trên đất nước ta với các nước láng giềng trong khu vực từ phía tây Trường Sơn đến Ấn Độ, là nơi đã hình thành nên một trong những nền văn hiến rực rỡ khác (cùng với văn hiến Ai Cập, Hy Lạp và Trung Hoa) trong thế giới cổ đại và trung đại – đó là nền văn hiến Ấn Độ, văn hiến chữ Phạn.
Chú thích:
Bài viết này của GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng được in trong Tạp chí Hán Nôm số 2, Hà Nội, 1987, và được in lại trong sách Tạp chí Hán Nôm – 100 bài tuyển chọn của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, 2000) và trong một vài tuyển tập khác. Chúng tôi đã xin phép tác giả được đăng lại trên website Digitizing Việt Nam.
1. Xem Ju. V. Rozhdestvensky, Vvedenie v obshuju filologiju (Dẫn luận ngữ văn học đại cương), Nxb “Vyshaja shkola”, M., 1979 (tiếng Nga). Cũng không loại trừ khả năng có thể có những dân tộc vùng này đã tự mình tạo ra được một lối chữ riêng tại chỗ, mà không chịu ảnh hưởng của một nền văn hoá nào rõ rệt, mặc dù trên thực tế rất ít gặp những trường hợp như vậy. Xe, I.J. Gelb, A study of writing (Nghiên cứu về chữ viết), Nxb “Raduga”, M., 1982, tr. 258, chú thích số 30 (tiếng Nga).
2. Một thí dụ thú vị cho những trường hợp này là bài Hán văn Hồng Nghệ An phú của nhà cách mạng Lê Hồng Phong sáng tác khi bị tù tại Côn Đảo. Không có giấy bút, Lê Hồng Phong sáng tác theo kiểu nghĩ được câu nào đọc câu ấy cho một đồng chí khác ngồi cũng tù nhớ nhập tâm theo âm Hán Việt. Hơn 40 năm sau, đồng chí này ra miền Bắc đọc lại toàn văn cho cụ Thạch Can ghi lại bằng chữ Quốc ngữ và đăng trên Tập san Nghiên cứu Hán Nôm, số 1, 1985.
3. Tinh thần chung toát ra từ toàn bộ những quan điểm về ngữ văn học của Giáo sư Ju. V. Rozhdestvensky (sách đã dẫn) là cơ sở để chúng tôi phát biểu định nghĩa trên đây về ngữ văn và ngữ văn học.
4. Về sự xê dịch trong cách hiểu thuật ngữ ngữ văn học (philology) ở phương Tây có thể xem, chẳng hạn: Slovar terminov literaturovedenijia (Từ điển nghiên cứu thuật ngữ văn học) do L.I. Timofiev và S.V. Turaev chủ biên, Nxb “Prosveshenije”, M., 1974, tr. 434-436 (tiếng Nga).
5. Ở đây, hai chữ “cổ điển” không có nghĩa đối lập với những gì là tân tiến, là “hiện đại”, mà muốn nói tới đối tượng nghiên cứu là những văn bản và tác phẩm ngôn từ đã được hình thành trong quá khứ và truyền lại đến nay.
6. Thuật ngữ thư tịch học có lẽ không thích hợp lắm, vì tên gọi này (vốn gắn liền với khái niệm về sách) không bao quát được hết các loại hình văn bản khác nhau và các nhiệm vụ nghiên cứu được đặt ra nhưng những gì đang được hình dung ở đây.
1. Giải thưởng Nhà nước trao cho một chuyên luận về chữ Nôm
Ngày 11/01/2017, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 104/QĐ-CTN tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 9 công trình và cụm công trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Quyết định số 105/QĐ CTN tặng Giải thưởng Nhà nước cho 7 công trình và cụm công trình KH&CN, theo quy chế xét duyệt 5 năm một lần. Ngày 15/1/2017, tại Hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội) đã diễn ra Lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH & CN đợt 5 cho các nhà khoa học ưu tú, tiêu biểu của cả nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dự buổi lễ và trao tặng giải thưởng cho các nhà khoa học được giải. Trong bài phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước ghi nhận: “Các công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt này là những công trình xuất sắc, tiêu biểu, được ứng dụng hiệu quả nhất, có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế, trình độ khoa học và công nghệ của đất nước trong khu vực và trên thế giới”.
Cũng trong buổi lễ, ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ KH & CN, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng cấp Nhà nước, cho biết: “Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, là những thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu về triết học, lịch sử và ngôn ngữ, trong đó làm rõ tầm cao tư duy của dân tộc Việt cũng như các giá trị, hạn chế và các bài học lịch sử quý báu mà ông cha ta để lại; là những nghiên cứu về chữ Nôm theo một khung lý thuyết mới, các thao tác tiếp cận mới, qua đó công trình được giới nghiên cứu trong và ngoài nước nhiệt liệt đón nhận, sử dụng với tần suất lớn trong các chuyên khảo nghiên cứu chữ Nôm, ngữ văn Hán Nôm ở Việt Nam cũng như nước ngoài hiện nay.”
Trong các công trình và tác giả được vinh danh đợt này có chuyên luận Khái luận văn tự học chữ Nôm (Nxb. Giáo dục, 2008) của GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện NCHN). Đây là sự ghi nhận xứng đáng ở cấp quốc gia đối với một chuyên khảo ở tầm cao lí thuyết văn tự học của một nhà khoa học đầu ngành Hán Nôm cũng như ngôn ngữ văn tự học. Viện NCHN từng có một số cựu cán bộ viên chức được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, nhưng họ đều là những người công tác tại Viện NCHN trong một thời gian không dài rồi chuyển sang đơn vị khác, và được giải thưởng với tư cách cán bộ của đơn vị khác. Vì vậy, có thể coi đây là giải thưởng Nhà nước đầu tiên được trao cho một nhà khoa học gắn bó phần lớn sự nghiệp với Viện NCHN. Theo nghĩa đó, giải thưởng cao quý này là một niềm vinh dự đối với Viện NCHN, đồng thời cũng là động lực, là nguồn động viên để các cán bộ viên chức Viện NCHN nỗ lực hơn nữa để đóng góp cho sự nghiệp khoa học và công nghệ.
2. GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng: nhân vật học thuật “lực lưỡng”
Dù sinh ra (1939) và làm việc tại Việt Nam, nhưng Nguyễn Quang Hồng lại có được cơ duyên đào tạo trường kì ở những trung tâm học thuật nước ngoài ngay từ thủa sinh viên. Ông tốt nghiệp Cử nhân Ngữ văn tại Đại học Bắc Kinh (1965), tốt nghiệp Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Ngữ văn tại Đại học Quốc gia Moskva và Viện Đông phương học Liên Xô (1974), sau đó tốt nghiệp Tiến sĩ khoa học Ngữ văn tại Đại học Quốc gia Moskva (1985). Được đào tạo căn bản và thâu thái được tinh hoa của hai trung tâm khoa học Ngữ văn Đông và Tây thời danh kể trên, ông đã cho ra đời những công trình nghiên cứu ngữ văn Hán Nôm và ngôn ngữ học không lẫn vào đâu được. Đặc điểm bao trùm của những công trình ấy là tính lí thuyết cao, vấn đề nghiên cứu được triển khai một cách logic và hệ thống, lối hành văn chặt chẽ khoa học, nhưng không cố lên gân lên cốt, mà nhiều lúc hóm hỉnh, hấp dẫn.
Sau nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về ngôn ngữ và văn tự tại nhiều trường đại học và viện nghiên cứu chuyên ngành, ông đã “trình làng” nhiều tác phẩm then chốt: Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (chủ biên, 1992), Âm tiết và loại hình ngôn ngữ (chuyên luận, 1994, 2001, 2012), Di văn chùa Dâu (chủ biên, 1996), Truyền kì mạn lục giải âm (biên khảo, phiên chú, 2001), Tự điển chữ Nôm (chủ biên, 2006), Kho chữ Hán Nôm mã hoá (đồng chủ biên, 2008), Khái luận văn tự học chữ Nôm (chuyên luận, 2008), Tự điển chữ Nôm dẫn giải (2 tập, 2014, gần 2.400 trang, công trình cá nhân), Âm tiết tiếng Việt và ngôn từ thi ca (viết cùng phu nhân là TS. Phan Diễm Phương, đang in). Ông còn là tác giả của hơn 100 bài nghiên cứu công bố trên các ấn phẩm chuyên ngành cả trong và ngoài nước. Ông cũng từng được mời thuyết trình và giao lưu khoa học tại Hoa Kì, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore.
3. Khái luận văn tự học chữ Nôm: tác phẩm học thuật “vạm vỡ”
Đặc trưng căn bản và tiên quyết của cuốn chuyên khảo này chính là tiền đề phương pháp luận lấy văn tự học làm bản vị. Đây là điểm cốt yếu và khác biệt của cuốn sách, bởi các chuyên khảo về chữ Nôm trước đây thường đặt vấn đề ngôn ngữ học lịch sử tiếng Việt lên trên vấn đề văn tự học khi tiếp cận kho tàng văn hiến chữ Nôm. Việc trả lại bản chất văn tự học cho hướng tiếp cận nghiên cứu chữ Nôm còn giúp cho cuốn sách, xét từ khía cạnh lịch sử văn hiến, khắc phục được nhược điểm cố hữu trong việc nghiên cứu chữ Nôm là thường quá chú trọng tới những văn hiến có niên đại sớm, mà xao lãng những văn hiến có niên đại muộn, khoảng từ thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX.
Từ tiền đề phương pháp luận trên, cuốn sách đã triển khai nghiên cứu một cách hệ thống và mang đậm tính lí luận. Trong tình trạng việc nghiên cứu Hán Nôm thường còn dừng lại ở mức độ miêu tả sự kiện, thì những nghiên cứu mang tính lí luận chuyên ngành của Nguyễn Quang Hồng lại hướng tới phân tích, giải thích sự kiện, và đó chính là điểm sáng nổi trội mà một lối tư duy thông thường nào đó hoàn toàn có thể phán rằng “những cái ấy ai chẳng biết!”. Nhưng để khái quát hóa “những cái ai chẳng biết” vốn lẻ tẻ và rời rạc ấy thành một hệ thống mang tính lí luận như những gì mà tác giả đã thực hiện trong các công trình của mình (tất nhiên không loại trừ cuốn sách này) thì lại hoàn toàn không phải là điều mà ai cũng làm được.
Về nội dung, công trình này nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện về những vấn đề chủ yếu đặt ra khi đi vào tìm hiểu chữ viết cổ truyền của các dân tộc Việt Nam, mà trọng tâm là chữ Nôm của người Việt. Nội dung chuyên luận trình bày trong 6 chương và một phụ chương. Ba chương đầu giới thiệu các hệ thống văn tự cổ truyền ở Việt Nam, tìm hiểu về nguồn gốc, sự hình thành chữ Nôm và xác định đặc trưng loại hình của nó trong sự đối chiếu với chữ Hán và các văn tự khác có liên quan trong khu vực. Hai chương Bốn và Năm đi sâu xem xét cấu trúc chức năng và cấu trúc hình thể của chữ Nôm Việt cùng những diễn biến của chúng qua thời gian. Chương cuối xem xét các chức năng xã hội và môi trường hành chức của chữ Nôm, vai trò của nó bên cạnh chữ Hán và chữ Quốc ngữ trong xã hội Việt Nam, quá khứ và hiện tại. Ngoài ra còn có một phụ chương để giới thiệu một số ý tưởng của các bậc tiền bối, mong muốn tạo lập các hệ thống chữ Việt bằng nét bút lông, mang dáng dấp của chữ Nôm, nhưng lại là văn tự ghi âm, cho thấy một nét đặc biệt trong tư duy văn tự học của tiền nhân.
Cuốn sách là một thành tựu nghiên cứu có bề dày và chiều sâu, vừa có “diện” vừa có “điểm”, chứa nhiều điều mới mẻ dựa trên cơ sở tích lũy và tổng kết tri thức khắp suốt xưa nay. Chính vì vậy, ngay sau khi vấn thế, cuốn sách đã được sử dụng làm tài liệu dạy học của ngành Hán Nôm nói riêng và ngành ngữ văn học nói chung ở các bậc Đại học, Cao học, và Nghiên cứu sinh ở nhiều đơn vị đào tạo.(1)
Vì vậy, học giới không mấy ai ngạc nhiên trước thông tin cuốn sách được trao Giải thưởng Nhà nước, thậm chí có người còn than tiếc cho rằng công trình ấy xứng đáng được trao giải thưởng ở cấp cao hơn. Bởi học giới biết rằng, con người ấy từ lâu đã khẳng định được tầm vóc tri thức và ảnh hưởng học thuật; công trình ấy đã được thừa nhận về tầm lí luận cũng như khả năng xây dựng khung khổ.
4. Những đạo hữu học thuật
Học giới Việt Nam đã thừa nhận vị trí hàng đầu của hai tượng đài ngôn ngữ học: GS. Cao Xuân Hạo (1930-2007) và GS. Nguyễn Tài Cẩn (1926-2011). Khi hai nhà khoa học trứ danh này lần lượt khuất bóng, đã có nhiều bài viết kỉ niệm về họ, mà hai bài “Hoài niệm...”(2) của GS Nguyễn Quang Hồng nằm trong số những bài đáng đọc nhất, vừa tình cảm vừa khoa học, toàn diện mà chi tiết, khúc chiết, mạch lạc và thích đáng trong đánh giá khoa học.
Nguyên nhân để hai bài “Hoài niệm...” ấy thành công, ngoài vốn tri thức chắc nịch và tình cảm sâu nặng của người viết đối với các đạo hữu, theo tôi, còn do sự tương đồng về quan điểm tiếp cận khi nghiên cứu ngôn ngữ văn tự học giữa ba nhà khoa học. Họ nằm trong số không nhiều người cùng sớm nhận ra sai lầm của tư tưởng “Âu tâm luận” (Eurocentrism) từng khá phổ biến trong nghiên cứu ngôn ngữ học nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung ở Việt Nam. Có lẽ chính vì vậy mà, trong danh tác Âm vị học và tuyến tính (bản tiếng Pháp năm 1985), GS Cao Xuân Hạo đã nhận xét về một công trình năm 1974 của GS Nguyễn Quang Hồng bằng những dòng rất trân trọng, mang tính nhận đồng trong tư tưởng phủ định “chiết đoạn luận” kiểu Châu Âu, tức là phê phán việc sử dụng lí thuyết âm vị học Châu Âu vốn chỉ phù hợp với các ngôn ngữ khuất chiết vào phân tích các ngôn ngữ đơn lập và chắp dính ở phương Đông như tiếng Trung, Việt, Nhật(3).
Đọc hai bài “Hoài niệm...” ấy, tôi thấy tâm đắc với hai từ láy mà GS Nguyễn Quang Hồng sử dụng. Ông phẩm bình hai cuốn chuyên luận về ngữ âm và ngữ pháp của GS Cao Xuân Hạo là "vạm vỡ", ông lại đánh giá các chuyên luận của GS. Nguyễn Tài Cẩn là "lực lưỡng". Ngẫm lại, cả ba nhà khoa học ấy dù có vóc dáng nhỏ gầy, nhưng đều "vạm vỡ" và "lực lưỡng" trong khoa học. Đó mới là điều khó đạt tới. Thiết nghĩ, cuốn Khái luận văn tự học chữ Nôm của GS Nguyễn Quang Hồng cũng đã đạt tới độ “vạm vỡ” và “lực lưỡng” như vậy, nên tôi xin phép mượn dùng hai từ láy trên để mô tả chính người đã từng sử dụng chúng một cách đắc địa. Giải thưởng Nhà nước này là sự khẳng định giá trị của cuốn sách và tầm vóc của nhà khoa học từ phía giới quản lí khoa học và công nghệ quốc gia, sau khi giới học thuật đã khẳng định từ trước./
Chú thích
Bài báo này được tác giả PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, viết năm 2017 khi GS. Nguyễn Quang Hồng được trao Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ với tác phẩm Khái luận văn tự học chữ Nôm của mình. Bài báo được đăng trên tạp chí Hán Nôm số 1 (140) -2017, chúng tôi xin đăng lại bài báo này tại đây với sự đồng ý của tác giả PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường.
(1). Xem thêm 3 bài điểm sách đã công bố: (1) Nguyễn Tuấn Cường, “Đọc sách Khái luận văn tự học chữ Nôm” của GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng”, Tạp chí Hán Nôm, số 4/2009, tr. 74-78. (2) Đinh Khắc Thuân, “Đọc sách Khái luận văn tự học chữ Nôm”, Ngôn ngữ và Đời sống, số 5/2009, tr. 44-45. (3) Trần Đình Sử, “Một đóng góp mới về nghiên cứu chữ Nôm”, Văn nghệ, số 27 (2579), thứ Bảy ngày 4/9/2009.
(2). Xem: (1) Nguyễn Quang Hồng, “Hoài niệm về anh Cao Xuân Hạo”, Ngôn ngữ và Đời sống, số 11/2007, tr. 38-39 (bản điện tử: http://ngonngu.net/?m=print&p=354). (2) Nguyễn Quang Hồng, “Hoài niệm về Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn”, Từđiển học và Bách khoa thư, số2/2011, tr. 78- 84 (bản điện tử: http://khoavanhoc.edu.vn/tintuc sukien/878-gstskh-nguyn-quang-hng).
(3). Cao Xuân Hạo, Âm vị học và tuyến tính: Suy nghĩ về những định đề của âm vị học đương đại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2001, tr. 303-306.
1. Mở đầu
Bài viết này giới thiệu khái quát về các dân tộc và ngôn ngữ, chữ viết, các loại quan hệ ngôn ngữ, sinh thái ngôn ngữ, … ở Việt Nam. Cũng xin trình bày kĩ về tình hình nghiên cứu ở Việt Nam về ngôn ngữ các “dân tộc thiểu số”.
2. Dân tộc và ngôn ngữ ở Việt Nam
Theo điều tra dân số năm 2009, Việt Nam có 54 dân tộc, tổng số dân là 85.846.997 người. Đó là: Kinh, Tày, Thái, Mường, Khơ Me, Hmông, Nùng, Hoa, Dao, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Sán Chay, Chăm, Cơ Ho, Xơ Đăng, Sán Dìu, Hrê, Ra Glai, Mnông, Xtiêng, Thổ, Bru - Vân Kiều, Khơ Mú, Cơ Tu, Giáy, Ta Ôi, Mạ, Gié - Triêng, Co, Chơ Ro, Xinh Mun, Hà Nhì, Chu Ru, Lào, Kháng, La Chí, Phù Lá, La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cơ Lao, Bố Y, Cống, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu.
Trong số 54 dân tộc, dân tộc Kinh có dân số 73. 594. 427 người, chiếm 85,6% tổng dân số cả nước, là “dân tộc đa số”. 53 dân tộc còn lại với dân số 12. 252. 570 người, chiếm 14,4% tổng dân số, là các “dân tộc thiểu số”.
Ở Việt Nam, ngôn ngữ là tiêu chí quan trọng để phân định dân tộc. Theo cách hiểu phổ biến, tương ứng với 54 dân tộc phải là 54 ngôn ngữ. Tuy nhiên, số lượng các ngôn ngữ ở Việt Nam lớn hơn 54: Có những dân tộc gồm các bộ phận nói những ngôn ngữ khác nhau. Việt Nam có khoảng trên 90 ngôn ngữ.
3. Quan hệ cội nguồn và loại hình các ngôn ngữ ở Việt Nam
3.1. Quan hệ cội nguồn:
Theo quan điểm phổ biến, các dân tộc ở Việt Nam nói những ngôn ngữ thuộc 5 ngữ hệ:
- Ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic): Việt, Mường, Chứt, Thổ, Khơ Mú, Xinh Mun, Mảng, Kháng, Ơ đu, Cơ Tu, Bru -Vân Kiều, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ-Triêng, Hrê, Brâu, Rơ măm, Co, Cơ Ho, Xtiêng, Mạ, Mnông, Chơ Ro, Khơ Me.
- Ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian): Chăm, Ra Glai, Gia Rai, Ê Đê, Chu Ru.
- Ngữ hệ Tai – Ka Đai (Tai – Kadai): Tày, Thái, Nùng, Sán Chay (nhóm Cao Lan), Giáy, Bố Y, Cơ Lao, La Chí, Pu Péo, La Ha, Lào, Lự.
- Ngữ hệ Hmông – Miền (Hmong – Mien): Hmông, Dao, Pà Thẻn.
- Ngữ hệ Hán – Tạng (Sino – Tibetan): Hà Nhì, Lô Lô, Phù Lá, La Hủ, Cống, Si La, Hoa, Ngái, Sán Dìu.
3.2. Các ngôn ngữ ở Việt Nam xét về quan hệ loại hình:
Tất cả các ngôn ngữ ở Việt Nam đều cùng một loại hình: loại hình đơn lập.
Các ngôn ngữ đơn lập (còn gọi là “các ngôn ngữ phi hình thái” - isolating languages), có một số đặc tính nổi bật, dễ nhận biết và thường gặp của các ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập như sau:
- Các từ không biến đổi hình thái.
- Các quan hệ ngữ pháp và các ý nghĩa ngữ pháp được biểu thị chủ yếu nhờ trật tự từ và các hư từ.
- Ở nhiều ngôn ngữ thuộc loại hình này, trong vốn từ cơ bản (cơ tầng của từ vựng) phần lớn là các từ có hình thức đơn tiết. Hình thức một âm tiết này cũng thường là của hình vị và từ (“nhất thể ba ngôi”).
Các ngôn ngữ loại hình đơn lập ở Việt Nam được chia thành 3 tiểu loại hình:
- Tiểu loại hình “cổ” (Khơ Me, Cơ Ho, Chăm, Ra Glai,…).
- Tiểu loại hình “trung” (Việt, Dao, Tày, Thái,...).
- Tiểu loại hình “mới”(Hmông, Hà Nhì, Cống, Si La,...).
Xu thế biến đổi về mặt loại hình như đơn tiết hóa, hình thành thanh điệu là những xu thế biến đổi chung của các ngôn ngữ ở Việt Nam.
Ngoài ra, ở Việt Nam còn có các loại quan hệ xã hội – ngôn ngữ: (i) quan hệ giữa tiếng Việt – ngôn ngữ quốc gia với ngôn ngữ các dân tộc thiểu số; (ii) quan hệ giữa ngôn ngữ của dân tộc thiểu số này với ngôn ngữ của dân tộc thiểu số khác; (iii) quan hệ giữa các ngôn ngữ và tiếng địa phương trong nội bộ mỗi dân tộc; và (iv) quan hệ giữa các ngôn ngữ xuyên biên giới (Việt – Trung; Việt – Lào; Việt – Campuchia,...). Đây là kết quả của những tác nhân lịch sử tộc người, quốc gia, khu vực; kinh tế - xã hội; chính trị; văn hóa,… nhưng chủ yếu là kết quả của những cuộc chiến tranh, tình trạng di dân và nhập cư, sự tách ra và sáp nhập lãnh thổ, lối cư trú xen kẽ hay sự cát cứ, sự quy tụ và phân li tộc người.
4. Chữ viết các dân tộc ở Việt Nam
Trong số các dân tộc ở Việt Nam, nhiều cộng đồng đã có chữ viết. Một số dân tộc có nhiều hệ chữ viết, có dân tộc lại chưa có chữ. Một số hệ chữ viết có lịch sử trên dưới nghìn năm, lại có nhiều hệ chữ viết khác, được chế tác gần đây, dựa trên tự dạng latin. Đó có thể là chữ viết ghi ý, ghi âm, hoặc nửa ghi âm nửa ghi ý.
Nói chung ở Việt Nam có 2 loại chữ viết:
- Các hệ thống chữ viết cổ truyền: Đây là các hệ thống chữ viết đã có lịch sử nhiều thế kỉ: chữ Hán, chữ Nôm Việt, chữ Chăm cổ truyền, chữ Khơ Me, chữ Nôm Tày, Nôm Nùng, Nôm Ngạn, Nôm Dao, Nôm Sán Chí, Nôm Sán Dìu, chữ Lự, chữ Thái cổ. Đó là các hệ chữ viết của dân tộc Khơ Me, Thái, Chăm, Tày, Nùng, Dao,....
Chữ Thái cổ, Chăm cổ, Khơ Me dựa trên tự dạng Sanskrit. Chữ cổ của người Tày, Nùng, Cao Lan, Ngạn, Dao (và chữ “Nôm” của người Kinh) thuộc dạng chữ vuông, bắt nguồn từ chữ Hán, có truyền thống vài thế kỉ.
- Các hệ thống chữ viết “mới” (còn gọi là: các chữ viết từ dạng latin): Đây là các hệ chữ viết được chế tác trên cơ sở chữ latin: chữ Quốc ngữ, chữ Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho), Pa Cô-Ta Ôi, Gié-Triêng, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Ra Glai, Tày– Nùng, Mường, Thái,… Các hệ chữ viết tự dạng latin của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam ra đời trong những thời kì khác nhau. Một số bộ chữ ra đời trước năm 1945 (Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho); phần lớn hệ thống chữ latin được chế tác sau năm 1960.
5. Những nghiên cứu ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) các dân tộc ở Việt Nam
(Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia và có số lượng người nói lớn nhất, đã được nghiên cứu nhiều và tương đối đa dạng. Sau đây, chỉ nói về nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số)
5.1. Thời kì trước năm 1954
Bên cạnh việc nghiên cứu tiếng Việt, các nhà khoa học Pháp thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ đã nghiên cứu một số ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Viện Viễn Đông Bác cổ (tiếng Pháp: École française d'Extrême - Orient, viết tắt EFEO) là một trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông phương học, chủ yếu trên thực địa. Trong hơn một thế kỉ tồn tại, Viện Viễn Đông Bác cổ đã đạt được nhiều thành tựu về Đông phương học. Tạp chí nghiên cứu Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient (Tập san Viện Viễn Đông Bác cổ, viết tắt BEFEO), đã trở nên quen thuộc trong giới khảo cổ và lịch sử châu Á. Trụ sở đầu tiên của Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Sài Gòn - Nam Kì, năm 1900. Năm 1902, trụ sở của EFEO được đặt tại Hà Nội với nhiệm vụ chính là khai quật khảo cổ, thu thập các tài liệu viết tay, bảo tồn các công trình, nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ và lịch sử các nước châu Á. Giai đoạn khởi đầu của EFEO ghi dấu ấn nhờ những đóng góp của các học giả, những tên tuổi lớn về Đông phương học như Paul Pelliot, Henri Maspero, Paul Demiéville về Ngôn ngữ học, Louis Finot, George Cœdès về khoa văn khắc Đông Dương, Henri Parmentier về khảo cổ học, Paul Mus về lịch sử tôn giáo... Hiện nay, còn lưu giữ những tài liệu của EFEO nghiên cứu về tiếng Việt, Chăm, Ba Na, Mnông, Cơ Ho, Gia Rai,... và chữ viết của các dân tộc này.
Một số chữ viết được xây dựng từ trước năm 1945: chữ của người Ê Đê, Gia Rai, Ba Na. Đây là những chữ viết do các cố đạo chế tác và đã được sử dụng để truyền giáo, đã phổ biến trong các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tuy được dùng ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ XX, nhưng đến năm 1935, Toàn quyền Đông Dương mới ra Nghị định công nhận bộ chữ viết của người Ê Đê, và cho phép nó được sử dụng trong đời sống. Bộ chữ viết này thực ra đã được cải tiến một số điểm nhất định vào năm 1937. Thời sau, đặc biệt vào những năm cuối thập kỉ 80 của thế kỉ XX, một số người muốn có sự thay đổi nhất định trong hệ thống chữ cái cho đơn giản hơn để đáp ứng nhu cầu in ấn và xuất bản sách vở, tài liệu tiếng Ê Đê.
Một số bộ chữ và các phương án phiên âm khác có từ thời Pháp (như Hmông, Mnông, Chăm Cơ Ho, Ra Glai..., kể cả cách ghi ban đầu của Quốc ngữ), mặc dù cho đến nay không được dùng nữa, nhưng đã là những tư liệu bổ ích cho nghiên cứu chế tác những bộ chữ mới sau này.
5.2. Thời kì từ năm 1954 đến 1975
Đây là thời kì Việt Nam bị chia cắt làm hai miền: Bắc và Nam.
Ở miền Bắc, nhiệm vụ nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số chủ yếu được giao cho Viện Ngôn ngữ học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam). Ngoài ra, ở một số trường đại học và Viện Khoa học giáo dục… cũng tiến hành nghiên cứu mặt này hay mặt khác trong ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Chữ Tày - Nùng và chữ viết Hmông được xây dựng và ban hành năm 1961, được sử dụng trong giáo dục song ngữ và in ấn một số tài liệu. Đã có nhiều công trình đã được xuất bản, cả về nghiên cứu cơ bản lẫn thực hành: Ngữ pháp tiếng Tày Nùng (1971), Tìm hiểu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (1972), Từ điển Mèo - Việt (1971), Từ điển Tày - Nùng - Việt (1974),...
Viện Ngôn ngữ học (thành lập năm 1968, tên tiếng Anh: Institute of Linguistics) có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về lí luận và ứng dụng ngôn ngữ của tiếng Việt, của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số và các ngoại ngữ ở Việt Nam, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách ngôn ngữ, tổ chức tư vấn và đào tạo sau đại học về ngôn ngữ học,...
Ở miền Nam từ năm 1957, đã có những hoạt động, với các hoạt động nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, chế tác các hệ thống chữ viết, tiến hành giáo dục song ngữ và truyền đạo.
Tổ chức SIL (còn gọi là "Viện Ngữ học mùa hè", tiếng Anh: Summer Institute of Linguistics), có trụ sở chính tại Dallas, Texas - Hoa Kì. Tổ chức này có mục đích chính là nghiên cứu, thu thập tư liệu về các ngôn ngữ, đặc biệt là những ngôn ngữ ít được biết đến, để mở rộng tri thức ngôn ngữ, thúc đẩy việc biết chữ, dịch Kinh Thánh Kitô giáo sang các ngôn ngữ địa phương và hỗ trợ phát triển ngôn ngữ thiểu số. Từ năm 1957, tổ chức này bắt đầu hoạt động ở miền Nam Việt Nam. Họ đã tiến hành nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, làm chữ viết, dịch Kinh thánh ra các ngôn ngữ dân tộc thiểu số để truyền đạo Tin lành, đã biên soạn tài liệu dạy song ngữ (sách giáo khoa, ngữ vựng đối chiếu...). Việc dạy – học theo chương trình giáo dục song ngữ được thực hiện. Trên cơ sở những chữ này, nhiều ấn phẩm về tôn giáo và sách giáo khoa bằng chữ viết các dân tộc thiểu số đã ra đời.
Kết quả là từ khi David Thomas người đầu tiên của tổ chức Viện Ngữ học Mùa hè đến Việt Nam cho đến hết 17 năm sau, hàng loạt các hệ thống chữ đã được chế tác và rất nhiều tài liệu cho việc giáo dục song ngữ đã được chuẩn bị. Đã có những tài liệu dạy - học các ngôn ngữ Ba Na, Bru - Vân Kiều, Chu Ru, Cơ Ho, Ê Đê, Mnông, Nùng, Ra Glai, Rơ Ngao, Xơ Đăng, Xtiêng, Thái, Cơ Tu, Hroi, Mường,... Từ năm 1967, SIL đã cấp các tài liệu này cho trẻ em lớp Vỡ lòng theo cách bắt đầu đọc và viết tiếng mẹ đẻ, rồi sau chuyển dần lên các lớp phổ thông học xen kẽ với tiếng Việt (song ngữ), nhằm "chuyển khả năng đọc tiếng mẹ đẻ sang đọc tiếng Việt". Từ năm 1967 đến năm 1975, đã có khoảng 800 -1000 giáo viên (phần lớn là người bản ngữ) đã được huấn luyện và dạy theo các tài liệu nói trên.
Có hàng loạt sách công cụ (từ điển đối chiếu, ngữ vựng) đã được biên soạn bằng các hệ thống chữ kể trên (về sau này có vàỉ hệ thống đã được sửa đổi ít nhiều, ví dụ: Gia Rai, Ba Na, Ê Đê...) chẳng hạn: Học tiếng Ê đê (Nguyễn Hoàng Chừng, 1961), Thổ Dictionary, Thổ - Vietnamese - English (A. C. Day, 1962), Từ điển Êđê - Pháp và Pháp - Êđê (R.P. Louison Benjamin, 1964) của Sedang Vocabulary (Kenneth D. Smith, 1967), Mnong Rơlơm Dictionary (Henry Blood..., 1976), Klei hriăm boh blu Êđê - Ngữ vựng Êđê (Y Cang Niê Siêng, 1979), Chù chìh dò tơtayh Jeh "Ngữ vựng Jeh" (Patrick D. Cohen, 1979), A Rhade - English Dictionary with English - Rhade Finderlist (James A.Tharp and Y Bhăm, 1980), Katu Dictionary: Katu - Vietnamese - Engỉish (N. A. Costello, 1991)..., cùng với các tài liệu hướng dẫn, các bài báo về từng mặt ngữ pháp của các ngôn ngữ (trong đó đối tượng miêu tả được thể hiện bằng chữ của các dân tộc này).
Trước năm 1975, sự nghiệp xây dựng và truyền bá chữ viết không phải chỉ của tổ chức SIL, mà còn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Các cán bộ Mặt trận đã tiến hành xây dựng chữ Cơ Tu, Xơ Đăng, Bru - Vân Kiều, Pa Cô, Hrê, Co, Mnông, Xtiêng..., cải tiến các bộ chữ Ba Na, Ê Đê, Gia Rai và tổ chức truyền bá, sử dụng chữ các dân tộc thiểu số.
5.3. Thời kì từ sau 1975 đến nay
Đây là thời kì Việt Nam thống nhất.
Năm 1981 phương án chữ Thái theo hệ latin cũng được xây dựng. Ngoài việc xây dựng mới các bộ chữ, các cơ quan có trách nhiệm cũng đã cải tiến nhiều bộ chữ như: chữ Cơ Ho (ở Lâm Đồng), chữ Bru - Vân Kiều, Pa Cô - Ta Ôi (ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), chữ Ra Glai (ở Ninh Thuận), chữ Cơ Tu (ở Quảng Nam), chữ Chăm Hroi, chữ Ba Na Kriêm, chữ Hrê (ở Bình Định), chữ Mnông (ở Đắk Nông, Đắk Lắk), chữ Ca Dong (Xơ Đăng) ở Quảng Nam v.v.. Nhiều công trình xuất bản: Ngữ pháp tiếng Cơ ho (1985), Tiếng Pu Péo (1992), Tiếng Rục (1993), Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam (1993), Ngữ âm tiếng Ê đê (1996), Tiếng Ka tu: Cấu tạo từ (1995), Tiếng Mnông - ngữ pháp ứng dụng (1996), Tiếng Ka tu (1998), Tiếng Bru - Vân Kiều (1998), Tiếng Hà Nhì (2001), Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam (2002), Ngữ âm tiếng Cơ ho (2004), Tiếng Mảng (2008), Ngữ pháp tiếng Cơ tu (2011), Tiếng Mảng (2008), Tìm hiểu ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam (2009), Ngữ pháp tiếng Êđê (2011), Ngữ pháp tiếng Cor (2014), Ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam (2017), Ngữ pháp tiếng Hmông (2019),...
Những công trình từ điển đối dịch đa ngữ: Từ điển Việt - Gia rai (1977), Từ điển Việt - Cơ ho (1983), Từ điển Việt - Tày - Nùng (1984), Từ điển Thái - Việt (1990), Từ điển Việt - Êđê (1993), Từ điển Việt - Mông (Việt - Hmôngz - 1996), Từ vựng các phương ngữ Êđê (1998), Từ điển Cơ tu - Việt, Việt - Cơ tu (2007), Từ điển Êđê - Việt (2015), Từ điển Việt – Cor, Cor – Việt (2024),...
Đã có không ít những sách dạy-học ngôn ngữ dân tộc thiểu số đã được xuất bản. Đó là, Sách học tiếng Pakôh - Taôih (1986), Hdruôm hră hriăm klei Êđê (1988),Sách học tiếng Bru - Vân Kiều (1986), Sách học tiếng Êđê (1988), Hdruôm hră hriăm klei Êđê (2004), Pơrap Kơtu (Tiếng Cơ tu - 2006), Bôq chù Hrê Bình Đình (Bộ chữ Hrê Bình Định - 2008), Xroi Kool -Tiếng Cor (2014)...
Sau Quyết định 53 - CP của Hội đồng Chính phủ (22/2/1980) Việt Nam về chủ trương đối với chữ viết các dân tộc thiểu số, các trí thức dân tộc thiểu số và các nhà ngôn ngữ học Việt Nam đã tiến hành việc hoàn thiện chữ viết Cơ Ho, Co, Hrê, Ba Na, Ra Glai, Mnông, Xơ Đăng, Cơ Tu, Ca Dong,... và dùng các chữ này biên soạn các sách giáo khoa, từ điển đối dịch, ngữ pháp và đưa vào giảng dạy. Nhiều tác phẩm văn nghệ dân gian: luật tục, trường ca, truyện cổ... đã được sưu tầm, biên dịch và xuất bản qua các chữ này.
Nhiều sáng tác văn học, các sách quảng bá, phổ biến về tri thức phổ thông xuất bản bằng song ngữ Việt - dân tộc thiểu số đã được phổ biến rộng rãi khắp cả nước như: Sóng chụ son sao (dân tộc Thái), Tiếng hát làm dâu (dân tộc Mông), Đăm San, Xinh Nhã (dân tộc Ê Đê), Người Mông nhớ Bác Hồ, Chỉ vì quá yêu (dân tộc Mông), Luật tục dân tộc Gia Rai, Luật tục dân tộc Mnông, Văn vĩ quan làng (dân tộc Tày) v.v.. Gần đây, các tác phẩm sử thi của các dân tộc vùng Trường Sơn, Tây Nguyên như sử thi Xtriêng, sử thi Ra Glai, sử thi Mnông, sử thi Gia Rai, sử thi Ê Đê, sử thi Ba Na… đều được sưu tầm và xuất bản bằng song ngữ.
Trong giáo dục, đến năm 2025 đã có 8 ngôn ngữ dân tộc thiểu số (gồm: Thái, Mông, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Chăm, Khmer, Hoa, Ê Đê) được đưa vào giảng dạy trong các trường tiểu học, phổ thông dân tộc nội trú. Nhiều bộ sách giáo khoa bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số hoặc song ngữ dân tộc thiểu số - Việt đã được biên soạn.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngay từ những năm 1956, Đài tiếng nói Việt Nam đã có các chương trình phát thanh bằng tiếng Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, Hrê, Mnông và Châu Mạ, sau đó là tiếng Thái, tiếng Mông, tiếng Mường,… đã được thực hiện. Đến năm 2025, đã có gần 30 ngôn ngữ dân tộc thiểu số được phát sóng trên Đài Phát thanh VOV4 và trên Đài Truyền hình VTV5. Các tỉnh có đông người dân tộc thiểu số cũng có các chương trình phát thanh và truyền hình bằng tiếng ngôn ngữ dân tộc thiểu số: Khơ Me, Chăm, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Cơ Tu, Cơ Ho, Xơ Đăng, Xtriêng, Thái, Mường, Dao, Mông, Mnông, Hrê, Châu Ro, Bru-Vân Kiều, Ta Ôi, Ra Glai,…
Trong sự hợp tác nghiên cứu, nhiều nhà khoa học nước ngoài: Nga, Mĩ, Trung Quốc, Pháp,… đã đến Việt Nam.
Từ những năm 90 của thế kỉ XX, trong khuôn khổ hợp tác Việt - Xô (từ 1979, sau này là Việt - Nga), chương trình Hợp tác Việt-Xô (sau này là Việt - Nga) khảo sát điền dã ngôn ngữ DTTS Việt Nam đã điều tra nhiều ngôn ngữ làm cơ sở biên soạn nhiều công trình dưới dạng tư liệu điền dã: Tiếng La Ha (1986), Tiếng Mường (1987), Tiếng Kxinhmul (1990), Tiếng Pu Péo (1992), Tiếng Rục (1993), Tiếng Cơ Lao (2011).
6. Lời kết
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ.
Đã có không ít các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam được nghiên cứu. Những định hướng:
- Nghiên cứu các ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) ở diện đồng đại, nhằm phát triển các đặc điểm trong các ngôn ngữ này: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, chữ viết, tiếng địa phương (phương ngữ, thổ ngữ),…
- Nghiên cứu các mối quan hệ ngôn ngữ khác nhau: họ hàng, loại hình, địa lí ngôn ngữ học, tiếp xúc…
- Nghiên cứu sự hành chức của ngôn ngữ trong đời sống: cảnh huống ngôn ngữ, chính sách ngôn ngữ, ngôn ngữ trong giáo dục, văn hoá, trên các phương tiện thông tin đại chúng,…
- Nghiên cứu các ngôn ngữ nhằm các mục đích ứng dụng: giáo dục ngôn ngữ và giáo dục bằng ngôn ngữ, chế tác và cải tiến các bộ chữ, biên soạn các sách công cụ (từ điển, ngữ pháp, sách giáo khoa), xác định thành phần tộc người, sưu tầm vốn văn nghệ dân gian, …
Tuy vậy, đến nay nhiều ngôn ngữ và nhiều mặt trong các ngôn ngữ ở Việt Nam chưa được nghiên cứu đầy đủ. Danh sách các ngôn ngữ trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay mang tính ước định. Chưa xác định được phương cách nào có hiệu quả và khả thi cho giáo dục ngôn ngữ ở các vùng dân tộc thiểu số. Chưa có lối thoát hiệu quả ra khỏi tình trạng mai một của các ngôn ngữ có vị thế thấp và ít người nói, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Một số ngôn ngữ đang mai một và cũng có những ngôn ngữ đã thành tử ngữ.
Nhân đây, xin được chia sẻ nhận xét của tác giả René Gillouin (trong cuốn sách nhan đề “Từ Alsace đến Flandre: tính thần bí ngôn ngữ học” – trích dẫn theo Phạm Quỳnh [8]):
“Đối với một dân tộc, mất tiếng mẹ đẻ ngang với mất linh hồn”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Baker, Colin (2008), Những cơ sở của giáo dục song ngữ và vấn đề song ngữ , Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
Gregerson, Marilin (1989), “Ngôn ngữ học ứng dụng: Dạy đọc chữ (tài liệu cho các ngôn ngữ thiểu số)”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 4.
Hồng, Nguyễn Quang (2018), Ngôn ngữ. Văn tự. Ngữ văn, Nxb Khoa học Xã hội, H.
Lợi, Nguyễn Văn (1995), “Vị thế tiếng Việt ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 4.
Lợi, Nguyễn Văn (2012), “Công trình tra cứu về ngôn ngữ và vấn đề bảo tồn ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong”, Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, s. 2(16).
Solncev V.M... [1982], "Về ý nghĩa của việc nghiên cứu các ngôn ngữ phương đông đối với sự phát triển của ngôn ngữ học đại cương", Ngôn ngữ số 4.
Tuệ, Hoàng... (1984), Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam và chính sách ngôn ngữ, Nxb. Khoa học xã hội, H.
Quỳnh, Phạm (2007), Tiểu luận (viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 – 1932), Nxb. Tri thức, H.
Thông, Tạ Văn (1993), “Mối quan hệ giữa chữ và tiếng các dân tộc thiểu số với chữ và tiếng Việt”, Trong: Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, H.
Thông, Tạ Văn – Tùng, Tạ Quang (2017), Ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam, Nxb. Đại học Thái Nguyên.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO Băng Cốc (2007), Tài liệu hướng dẫn Phát triển Chương trình Xóa mù chữ và Giáo dục cho người lớn tại cộng đồng ngôn ngữ thiểu số, NXB Giao thông Vận tải, H.