“Citations coordinate distinct time-spaces, bringing them into a common relation of contiguity” (Silverstein 2005). Xin tạm dịch như sau: “Việc trích dẫn phối hợp những khoảng không-thời gian khác nhau, đưa chúng vào cùng một mối quan hệ chung, của sự đồng thời, kề cạnh.” Nữ Giới Chung đã tạo nên một không-thời gian kỳ lạ vào đầu thế kỷ 20, nơi tích hợp những trích dẫn từ những giai đoạn lịch sử khác nhau trên thế giới và Việt Nam, bởi những người nữ đã thụ hưởng một nền giáo dục pha lẫn Á-Âu. Nó là một không-thời gian đa dạng và sinh động như một montage điện ảnh được dàn dựng bằng những cú jump-cut ngang dọc chiều dài lịch sử. Sự đa dạng về mặt trích dẫn, cũng như cách sử dụng trích dẫn, khiến ta phải suy nghĩ lại về chữ “chung” trong Nữ Giới Chung, đặc biệt là về phạm vi của nó. Ở đây, “Chung” không phải là “Chung” một giọng nói, một thông điệp nhất quán sẵn có trong giới nữ Việt Nam. “Chung”/”Chuông” ở đây báo hiệu sự kiến tạo một không-thời gian, nơi những người nữ bước đến bên nhau cho một cuộc tao ngộ, để nhìn lại lịch sử, viết lại lịch sử và viết tiếp lịch sử đờn bà trong những trang sử Việt Nam và lịch sử thế giới. Vậy những thước phim lịch sử đã được các nữ sĩ của Nữ Giới Chung “cắt lại” như thế nào, và lồng ghép với câu chuyện Nữ Giới Chung ra sao.
Trích dẫn để làm gì?
Xin được bàn đôi chút về tính trích dẫn, “citationality”. Tính trích dẫn là tính căn bản của mọi ký hiệu, mà Derrida gọi là “iterability” của ký hiệu. Mọi ký hiệu đều sẵn sàng thoát khỏi hoàn cảnh phát ngôn, để đi đến một ngữ cảnh mới, nơi nó được trích dẫn. Việc trích dẫn đánh dấu chủ quyền của một lời nói, đưa lời nói thuộc về một người nói (speaking agent). Tuy nhiên trích dẫn đồng thời đưa lời nói và người nói vào một bối cảnh khác, nơi nó được dàn dựng và biểu diễn như một trích dẫn. Tuỳ theo sự dàn dựng, ta có thể có một diễn ngôn dàn dựng theo kiểu đa thoại, người này mượn lời và đáp lời người kia, giọng người và giọng mình được đánh dấu chủ quyền rõ ràng (”territorial mark”) bằng dấu ngoặc kép. Ta cũng có thể có một diễn ngôn độc thoại, tức người này đã “tiêu thụ” (”internalize”), lồng giọng người kia vào trong giọng mình, hay một diễn ngôn bán độc thoại, tức người này báo cáo lại những gì người kia nói (”reported speech”). Mục đích là để lời nói có gốc có ngọn (”having a traceable genealogy of thoughts”), để mượn cái uy của người khác mà củng cố cái uy trong lời nói của mình, để cái thấy của ta được bỗ trợ bởi cái thấy của người khác. Nếu việc học thuộc lòng thường được miêu tả như việc nội hoá, thẩm thấu (”internalize”), thì việc trích dẫn có thể được xem như sự xuất ra, “externalize”, để đối thoại và truy vấn nguồn gốc những suy nghĩ tưởng chừng là của mình. Để thêu lên những suy nghĩ mới, cần phải tháo dỡ những mối may cũ. Tuy nhiên, vào thời buổi đầu thế kỷ XX, việc truy cứu chỉ có thể dựa trên sách vở sẵn có, hoặc từ trí nhớ, vì vậy nên việc trích dẫn, không thể là một cử chỉ học thuật (”a scholarly/historiographical gesture”), nhằm đảm bảo tính chính xác về lịch sử (”a verifiable intellectual genealogy”), mà còn nên được hiểu như một cử chỉ biểu diễn, dàn dựng sân khấu (a “mise-en-scene”, a decorative act), nhằm kiến tạo ra một không-thời gian phảng phất lịch sử Đông Tây kim cổ (”history as an ambience”). Mục đích cho việc này là gì? Chúng ta có thể kiến giải rằng trong Nữ Giới Chung, Chung ở đây không phải một không-thời gian biệt lập chỉ có đàn bà đương đại nói chuyện với nhau, Chung ở đây không được cấu thành bởi sự tách riêng ra khỏi diễn ngôn của nam giới và sự co cụm lại của nữ giới. Chung ở đây gọi nữ giới đến đứng chung với thế giới, đứng chung với lịch sử được tạo nên bởi các giới, chứ không đứng riêng ra một mình.
Hãy xem sự biểu diễn trích dẫn sau:
Nguồn trích dẫn (speaking agent): Nguồn trích dẫn không phải lúc nào cũng là người, mà nếu là người thì cũng không cần có danh tính rõ ràng. Chúng ta đôi khi có “Ông Bội-Căn” (trích dẫn toàn danh), có “nhà danh sĩ bên Thái Tây” (Thái Tây, tức 泰西, chỉ các quốc gia tây phương, trích dẫn bán danh), có “danh sĩ nước Anh”. Chúng ta cũng có “sách nho”, có “chữ Tàu”, hoặc đôi khi chỉ có “sách” (trích dẫn vô danh). Chủ thể của phát ngôn không cần có một danh tính rõ ràng, mà có thể mang tính đại diện cho nền văn minh phương Tây (với vai ”danh sĩ”), hoặc đại diện cho trí tuệ nói chung (với vai “sách”). Quyền lực (”authority”) của trích dẫn nằm ở tính Tây phương, hoặc tính “đã được hợp thức hoá” (”officialized”), do được lưu truyền bằng phương tiện in ấn (”sách”), hoặc kiểm định qua sự truyền miệng rộng rãi (”vernacular literature”). Việc lưu truyền, kiến tạo tri thức không xảy ra ở mức độ đối thoại cá nhân, nơi việc trích dẫn có mục đích bảo vệ quyền sỡ hữu trí tuệ cá thể và tạo ra tương tác đối thoại giữa cá thể (”intersubjective dialogue”), mà ở đây ưu tiên việc đối thoại giữa những luồng văn hoá (”intercultural dialogue”), nơi các cá thể đóng vai trò đại diện cho các luồng văn hoá hơn là cho chính tư tưởng của họ.
Cách trích dẫn:
Ông Bội-căn sẽ được mở ngoặc chú thích bằng tên tiếng Anh ngay bên cạnh (”Roger Bacon”). Nhắc đến danh sĩ nước Anh thì nước Anh cũng được chú thích bằng phiên âm (”Anglé”). Điều đó minh chứng ở giai đoạn này, chữ Quốc ngữ chưa thể đứng riêng một mình, như một hệ thống ký hiệu được hoàn toàn phổ cập, với một mối liên hệ trực tiếp từ ký hiệu đến vật được ký hiệu (”direct connection between signs and referents”) mà cần được bỗ trợ, truân chuyển (”mediated”), “phụ đề” (”subtitled”), bởi những ngôn ngữ khác đang được sử dụng trong các môi trường giáo dục, hành chính khác nhau ở Việt Nam (bao gồm chữ Hán & chữ Pháp). Song song với môi trường giáo dục sử dụng, lưu hành các nguồn sách chữ Nho và chữ Pháp, các nguồn sách về tư tưởng, nhân vật lịch sử Tây Phương có khả năng đã được tiếp cận qua bản dịch chữ Hán, thay vì với văn bản gốc bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, vì vậy mới để lại những “dấu tích dịch thuật” song song (”Bội Căn”, “Roger Bacon”).
Giao thoa các luồng tư tưởng:
Vì cơ sở dữ liệu chưa hoàn chỉnh, việc số hoá còn dở dang, nên ở giai đoạn này chưa thể thống kê và phân loại được các nguồn trích dẫn chiếm số nhiều hay số ít. Tuy nhiên, điểm lại dữ liệu đã được số hoá, dựa trên biểu mẫu cỡ nhỏ (small sample), có thể từ các trích dẫn mà phân thành ra 3 luồng điển tích chính hay được sử dụng trong trích dẫn:
_ Điển tích văn minh châu Âu: bao gồm từ nền tảng tư tưởng-văn hoá Hy Lạp-La Mã cổ đại (Greek-Roman classicism) & Phục hưng (Renaissance)
_Điển tích Nho giáo: thường được đại diện bởi Mạnh-tữ, Khổng-tữ
_Điển tích lịch sử Việt: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, công chúa Diệu Liên, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương
Những luồng điển tích trên phản ánh những nghiên cứu của ThS. Nguyễn Hoa Mai về lịch sử giáo dục nữ sinh tại Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX, với sự chuyển giao văn hoá qua sự tồn tại song song của nền giáo dục Nho học và Âu học: “Lịch sử chỉ quan tâm đến lịch sử nước nhà và Trung Hoa cổ đại. Văn chương ảnh hưởng của Trung Quốc lớn lao và học tập tư tưởng, văn chương Trung Quốc là chủ yếu. Nội dung chương trình giảng dạy các lớp của chương trình Pháp – Việt được áp dụng thống nhất, dù là ở Đồng Khánh hay ở Áo Tím. Học sinh học bằng tiếng Pháp tất cà các môn, nhưng điểm khác biệt với chương trình Pháp là có một số giờ tiếng Việt, từ 1 đến 2 giờ/tuần. Chương trình bậc cao đẳng tiểu học, gọi là thành chung gồm những môn thuộc các lĩnh vực chuyên môn như sau: Khoa học tự nhiên(toán, vật lý, hóa học, vạn vật); khoa học xã hội và nhân văn (Pháp văn, sử - địa, luân lý, Việt văn. Học sinh học sử - địa của Pháp và của Việt Nam).” Đặc biệt, qua hiện tượng viết-dịch song song qua nhiều tầng ngôn ngữ (”polyphonic discourse”), ta có thể thấy nền giáo dục thời Pháp thuộc đã sản sinh ra những cá thể tư duy đa ngôn ngữ (”multilingual subjects”) và kiến tạo ra những không-thời gian đa ngôn ngữ- đa văn hoá (multicultural space-time), mà tờ báo Nữ Giới Chung là một ví dụ. Sự đa ngôn ngữ trở thành một di sản văn hoá thuộc địa đa tầng (”the legacy of multilayered colonialism”) đến từ nhiều giai đoạn đô hộ khác nhau, và là một di sản đa sắc nghĩa (”ambivalent”).
Trích dẫn và viết lại lịch sử thế giới: Từ lịch sử danh nhân đến lịch sử thân mẫu
Xin được nói rõ thêm là “Nữ Giới Chung” là một tờ báo với sự góp giọng của nhiều giọng nữ, nên không có một cách hay một mục đích trích dẫn duy nhất. Ở đây chỉ mạn phép đào sâu vào cách trích dẫn trong một bài viết của chủ bút Sương Nguyệt Anh, không có tính đại diện cho toàn bộ tờ Nữ Giới Chung - bài “Thế lực người đờn bà”, đăng trên số thứ nhất.
Thế lực người đờn bà Có một nhà danh sĩ nước Anh (Anglé) nói rằng : Cái tay đưa võng cho con, ấy là tay cầm quyền cả thế giới (1) Lời đó, thiệt như vẻ được cái thế-lực của người đờn bà. Kia tài trai như ông Cai-Tán (Jules César) (2) oai-danh lừng lẩy, khắp cỏi châu Âu. Ông Á-lực sơn-đại, (Alexandre le Grand) (3) vùng vẩy ngang tàng, phía tây châu Á, rất đỗi con nít nghe tên phải nín khóc, mà cũng còn chưa có cái thế-lực ấy thay. Huống chi đờn-bà, ngoài mũi kim đường chỉ, đã không tài ngang trời độc, lại không sức đào núi xẻ sông, ai mà dè là một tay hóa-công-(4) nhỏ Thế-lực là gì? Là biểu sống được sống, biểu chết phải chết, cũng như nhà tôn-giáo : (5) sanh đặng hết thảy, duyệt đặng hết thảy vậy. Thế thì ngoài quyền lực Quân-chủ (6) lại có cái thế-lực lớn hơn nữa là gì ? Chánh là cái tay võng cho con đó. Gẫm từ thuở địa-cầu mới có nhơn-loại nhẩn nay, trắng, vàng, đen, đỏ, biết hằng-hà sa-số (7) nào là người; mà chưa thấy có ai trên trời sa xuống, dưới đất chung lên bao giờ Thế mới biết , không có đờn bà thì loài người ắt tiêu-duyệt, thế-giới hiu quạnh, như cù-lao hoang, đâu là nhà « Triết-học » (8) nhà « Văn-học » (9) nhà « Chánh-trị » (10) đâu là nhà « Kinh-tế », (11) nhà « Cách-tri» (12) nhà « Giáo-dục » (13) và hết thảy các hạng người ở trên trái đất này? Vậy đờn-bà ta cũng có thể nói được rằng: Phàm nhứt-thiết (14), những văn-minh hiện-tượng (15) trong thế-giới ngày nay, đều là con cháu nhà cả. Là vì sao ? Nghĩa có đờn-bà, mới sanh ra thánh-hiền, hào-kiệt mới có người tô-điểm vẻ non sông. Dẩu khéo tạc tượng như ông Lỗ-ban, (16) tài họa bình như ông Vinh-sĩ, (Léonard de Vinci) (17)cũng chẳng có thế gì mà chế tạo được ra như ngươi ta thiệt. Rất đổị muốn đoạt quyền tạo-hoá như người Âu-châu, đến cái thế-lực như rứa, hắc cũng phải chịu thua tay đờn-bà. Vậy thì thế lực đờn-bà ta; lớn lao biết dường nào? Song cái thế-lực ấy, không phải sang mới có, cũng không phải giàu mới có, vốn ông Tạo-vật đã để phần chung cho hết thảy bạn quần-xoa. Có cái thế-lực bà Mạnh-mẩu, thì ông Mạnh-tữ mới nên danh ông Mạnh-tữ; (l8) có cái thế lực bà mẹ ông Nả-phá-Luân (Na-po-léon) thì ông Nả-phá-Luân mới thành được ồng Nã-phá-Luân; (19) Xét trong sữ sách xưa nay, còn nhan nhản biết bao nhiêu mà kễ. Thương ôi! Đời xưa như thế, đời nầy có ai ? Thế lực tuy phần chung của mọi người, mà biết dùng ra, lại chẳng qua chỉ riêng về cho những nhà có học ! Chị em ta phải tính làm sao ? để cho thiên-hạ coi vào mới ngoan !... Chớ đừng nên bắt chước như ai, đem thế-lực, mà làm cho nghiêng thành nghiêng nước, cho đổ quán xiêu đình ,tan nhà. nát cữa. Ấy mới là khôn ! Ấy mới là tài, ấy mới là cái tay cầm quyền cả thế-giới.
S. NGUYỆT-ANH.