1. Mở đầu
Bài viết này giới thiệu khái quát về các dân tộc và ngôn ngữ, chữ viết, các loại quan hệ ngôn ngữ, sinh thái ngôn ngữ, … ở Việt Nam. Cũng xin trình bày kĩ về tình hình nghiên cứu ở Việt Nam về ngôn ngữ các “dân tộc thiểu số”.
2. Dân tộc và ngôn ngữ ở Việt Nam
Theo điều tra dân số năm 2009, Việt Nam có 54 dân tộc, tổng số dân là 85.846.997 người. Đó là: Kinh, Tày, Thái, Mường, Khơ Me, Hmông, Nùng, Hoa, Dao, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Sán Chay, Chăm, Cơ Ho, Xơ Đăng, Sán Dìu, Hrê, Ra Glai, Mnông, Xtiêng, Thổ, Bru - Vân Kiều, Khơ Mú, Cơ Tu, Giáy, Ta Ôi, Mạ, Gié - Triêng, Co, Chơ Ro, Xinh Mun, Hà Nhì, Chu Ru, Lào, Kháng, La Chí, Phù Lá, La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cơ Lao, Bố Y, Cống, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu.
Trong số 54 dân tộc, dân tộc Kinh có dân số 73. 594. 427 người, chiếm 85,6% tổng dân số cả nước, là “dân tộc đa số”. 53 dân tộc còn lại với dân số 12. 252. 570 người, chiếm 14,4% tổng dân số, là các “dân tộc thiểu số”.
Ở Việt Nam, ngôn ngữ là tiêu chí quan trọng để phân định dân tộc. Theo cách hiểu phổ biến, tương ứng với 54 dân tộc phải là 54 ngôn ngữ. Tuy nhiên, số lượng các ngôn ngữ ở Việt Nam lớn hơn 54: Có những dân tộc gồm các bộ phận nói những ngôn ngữ khác nhau. Việt Nam có khoảng trên 90 ngôn ngữ.
3. Quan hệ cội nguồn và loại hình các ngôn ngữ ở Việt Nam
3.1. Quan hệ cội nguồn:
Theo quan điểm phổ biến, các dân tộc ở Việt Nam nói những ngôn ngữ thuộc 5 ngữ hệ:
- Ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic): Việt, Mường, Chứt, Thổ, Khơ Mú, Xinh Mun, Mảng, Kháng, Ơ đu, Cơ Tu, Bru -Vân Kiều, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ-Triêng, Hrê, Brâu, Rơ măm, Co, Cơ Ho, Xtiêng, Mạ, Mnông, Chơ Ro, Khơ Me.
- Ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian): Chăm, Ra Glai, Gia Rai, Ê Đê, Chu Ru.
- Ngữ hệ Tai – Ka Đai (Tai – Kadai): Tày, Thái, Nùng, Sán Chay (nhóm Cao Lan), Giáy, Bố Y, Cơ Lao, La Chí, Pu Péo, La Ha, Lào, Lự.
- Ngữ hệ Hmông – Miền (Hmong – Mien): Hmông, Dao, Pà Thẻn.
- Ngữ hệ Hán – Tạng (Sino – Tibetan): Hà Nhì, Lô Lô, Phù Lá, La Hủ, Cống, Si La, Hoa, Ngái, Sán Dìu.
3.2. Các ngôn ngữ ở Việt Nam xét về quan hệ loại hình:
Tất cả các ngôn ngữ ở Việt Nam đều cùng một loại hình: loại hình đơn lập.
Các ngôn ngữ đơn lập (còn gọi là “các ngôn ngữ phi hình thái” - isolating languages), có một số đặc tính nổi bật, dễ nhận biết và thường gặp của các ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập như sau:
- Các từ không biến đổi hình thái.
- Các quan hệ ngữ pháp và các ý nghĩa ngữ pháp được biểu thị chủ yếu nhờ trật tự từ và các hư từ.
- Ở nhiều ngôn ngữ thuộc loại hình này, trong vốn từ cơ bản (cơ tầng của từ vựng) phần lớn là các từ có hình thức đơn tiết. Hình thức một âm tiết này cũng thường là của hình vị và từ (“nhất thể ba ngôi”).
Các ngôn ngữ loại hình đơn lập ở Việt Nam được chia thành 3 tiểu loại hình:
- Tiểu loại hình “cổ” (Khơ Me, Cơ Ho, Chăm, Ra Glai,…).
- Tiểu loại hình “trung” (Việt, Dao, Tày, Thái,...).
- Tiểu loại hình “mới”(Hmông, Hà Nhì, Cống, Si La,...).
Xu thế biến đổi về mặt loại hình như đơn tiết hóa, hình thành thanh điệu là những xu thế biến đổi chung của các ngôn ngữ ở Việt Nam.
Ngoài ra, ở Việt Nam còn có các loại quan hệ xã hội – ngôn ngữ: (i) quan hệ giữa tiếng Việt – ngôn ngữ quốc gia với ngôn ngữ các dân tộc thiểu số; (ii) quan hệ giữa ngôn ngữ của dân tộc thiểu số này với ngôn ngữ của dân tộc thiểu số khác; (iii) quan hệ giữa các ngôn ngữ và tiếng địa phương trong nội bộ mỗi dân tộc; và (iv) quan hệ giữa các ngôn ngữ xuyên biên giới (Việt – Trung; Việt – Lào; Việt – Campuchia,...). Đây là kết quả của những tác nhân lịch sử tộc người, quốc gia, khu vực; kinh tế - xã hội; chính trị; văn hóa,… nhưng chủ yếu là kết quả của những cuộc chiến tranh, tình trạng di dân và nhập cư, sự tách ra và sáp nhập lãnh thổ, lối cư trú xen kẽ hay sự cát cứ, sự quy tụ và phân li tộc người.
4. Chữ viết các dân tộc ở Việt Nam
Trong số các dân tộc ở Việt Nam, nhiều cộng đồng đã có chữ viết. Một số dân tộc có nhiều hệ chữ viết, có dân tộc lại chưa có chữ. Một số hệ chữ viết có lịch sử trên dưới nghìn năm, lại có nhiều hệ chữ viết khác, được chế tác gần đây, dựa trên tự dạng latin. Đó có thể là chữ viết ghi ý, ghi âm, hoặc nửa ghi âm nửa ghi ý.
Nói chung ở Việt Nam có 2 loại chữ viết:
- Các hệ thống chữ viết cổ truyền: Đây là các hệ thống chữ viết đã có lịch sử nhiều thế kỉ: chữ Hán, chữ Nôm Việt, chữ Chăm cổ truyền, chữ Khơ Me, chữ Nôm Tày, Nôm Nùng, Nôm Ngạn, Nôm Dao, Nôm Sán Chí, Nôm Sán Dìu, chữ Lự, chữ Thái cổ. Đó là các hệ chữ viết của dân tộc Khơ Me, Thái, Chăm, Tày, Nùng, Dao,....
Chữ Thái cổ, Chăm cổ, Khơ Me dựa trên tự dạng Sanskrit. Chữ cổ của người Tày, Nùng, Cao Lan, Ngạn, Dao (và chữ “Nôm” của người Kinh) thuộc dạng chữ vuông, bắt nguồn từ chữ Hán, có truyền thống vài thế kỉ.
- Các hệ thống chữ viết “mới” (còn gọi là: các chữ viết từ dạng latin): Đây là các hệ chữ viết được chế tác trên cơ sở chữ latin: chữ Quốc ngữ, chữ Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho), Pa Cô-Ta Ôi, Gié-Triêng, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Ra Glai, Tày– Nùng, Mường, Thái,… Các hệ chữ viết tự dạng latin của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam ra đời trong những thời kì khác nhau. Một số bộ chữ ra đời trước năm 1945 (Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho); phần lớn hệ thống chữ latin được chế tác sau năm 1960.
5. Những nghiên cứu ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) các dân tộc ở Việt Nam
(Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia và có số lượng người nói lớn nhất, đã được nghiên cứu nhiều và tương đối đa dạng. Sau đây, chỉ nói về nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số)
5.1. Thời kì trước năm 1954
Bên cạnh việc nghiên cứu tiếng Việt, các nhà khoa học Pháp thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ đã nghiên cứu một số ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Viện Viễn Đông Bác cổ (tiếng Pháp: École française d'Extrême - Orient, viết tắt EFEO) là một trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông phương học, chủ yếu trên thực địa. Trong hơn một thế kỉ tồn tại, Viện Viễn Đông Bác cổ đã đạt được nhiều thành tựu về Đông phương học. Tạp chí nghiên cứu Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient (Tập san Viện Viễn Đông Bác cổ, viết tắt BEFEO), đã trở nên quen thuộc trong giới khảo cổ và lịch sử châu Á. Trụ sở đầu tiên của Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Sài Gòn - Nam Kì, năm 1900. Năm 1902, trụ sở của EFEO được đặt tại Hà Nội với nhiệm vụ chính là khai quật khảo cổ, thu thập các tài liệu viết tay, bảo tồn các công trình, nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ và lịch sử các nước châu Á. Giai đoạn khởi đầu của EFEO ghi dấu ấn nhờ những đóng góp của các học giả, những tên tuổi lớn về Đông phương học như Paul Pelliot, Henri Maspero, Paul Demiéville về Ngôn ngữ học, Louis Finot, George Cœdès về khoa văn khắc Đông Dương, Henri Parmentier về khảo cổ học, Paul Mus về lịch sử tôn giáo... Hiện nay, còn lưu giữ những tài liệu của EFEO nghiên cứu về tiếng Việt, Chăm, Ba Na, Mnông, Cơ Ho, Gia Rai,... và chữ viết của các dân tộc này.
Một số chữ viết được xây dựng từ trước năm 1945: chữ của người Ê Đê, Gia Rai, Ba Na. Đây là những chữ viết do các cố đạo chế tác và đã được sử dụng để truyền giáo, đã phổ biến trong các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tuy được dùng ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ XX, nhưng đến năm 1935, Toàn quyền Đông Dương mới ra Nghị định công nhận bộ chữ viết của người Ê Đê, và cho phép nó được sử dụng trong đời sống. Bộ chữ viết này thực ra đã được cải tiến một số điểm nhất định vào năm 1937. Thời sau, đặc biệt vào những năm cuối thập kỉ 80 của thế kỉ XX, một số người muốn có sự thay đổi nhất định trong hệ thống chữ cái cho đơn giản hơn để đáp ứng nhu cầu in ấn và xuất bản sách vở, tài liệu tiếng Ê Đê.
Một số bộ chữ và các phương án phiên âm khác có từ thời Pháp (như Hmông, Mnông, Chăm Cơ Ho, Ra Glai..., kể cả cách ghi ban đầu của Quốc ngữ), mặc dù cho đến nay không được dùng nữa, nhưng đã là những tư liệu bổ ích cho nghiên cứu chế tác những bộ chữ mới sau này.
5.2. Thời kì từ năm 1954 đến 1975
Đây là thời kì Việt Nam bị chia cắt làm hai miền: Bắc và Nam.
Ở miền Bắc, nhiệm vụ nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số chủ yếu được giao cho Viện Ngôn ngữ học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam). Ngoài ra, ở một số trường đại học và Viện Khoa học giáo dục… cũng tiến hành nghiên cứu mặt này hay mặt khác trong ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Chữ Tày - Nùng và chữ viết Hmông được xây dựng và ban hành năm 1961, được sử dụng trong giáo dục song ngữ và in ấn một số tài liệu. Đã có nhiều công trình đã được xuất bản, cả về nghiên cứu cơ bản lẫn thực hành: Ngữ pháp tiếng Tày Nùng (1971), Tìm hiểu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (1972), Từ điển Mèo - Việt (1971), Từ điển Tày - Nùng - Việt (1974),...
Viện Ngôn ngữ học (thành lập năm 1968, tên tiếng Anh: Institute of Linguistics) có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về lí luận và ứng dụng ngôn ngữ của tiếng Việt, của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số và các ngoại ngữ ở Việt Nam, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách ngôn ngữ, tổ chức tư vấn và đào tạo sau đại học về ngôn ngữ học,...
Ở miền Nam từ năm 1957, đã có những hoạt động, với các hoạt động nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, chế tác các hệ thống chữ viết, tiến hành giáo dục song ngữ và truyền đạo.
Tổ chức SIL (còn gọi là "Viện Ngữ học mùa hè", tiếng Anh: Summer Institute of Linguistics), có trụ sở chính tại Dallas, Texas - Hoa Kì. Tổ chức này có mục đích chính là nghiên cứu, thu thập tư liệu về các ngôn ngữ, đặc biệt là những ngôn ngữ ít được biết đến, để mở rộng tri thức ngôn ngữ, thúc đẩy việc biết chữ, dịch Kinh Thánh Kitô giáo sang các ngôn ngữ địa phương và hỗ trợ phát triển ngôn ngữ thiểu số. Từ năm 1957, tổ chức này bắt đầu hoạt động ở miền Nam Việt Nam. Họ đã tiến hành nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, làm chữ viết, dịch Kinh thánh ra các ngôn ngữ dân tộc thiểu số để truyền đạo Tin lành, đã biên soạn tài liệu dạy song ngữ (sách giáo khoa, ngữ vựng đối chiếu...). Việc dạy – học theo chương trình giáo dục song ngữ được thực hiện. Trên cơ sở những chữ này, nhiều ấn phẩm về tôn giáo và sách giáo khoa bằng chữ viết các dân tộc thiểu số đã ra đời.
Kết quả là từ khi David Thomas người đầu tiên của tổ chức Viện Ngữ học Mùa hè đến Việt Nam cho đến hết 17 năm sau, hàng loạt các hệ thống chữ đã được chế tác và rất nhiều tài liệu cho việc giáo dục song ngữ đã được chuẩn bị. Đã có những tài liệu dạy - học các ngôn ngữ Ba Na, Bru - Vân Kiều, Chu Ru, Cơ Ho, Ê Đê, Mnông, Nùng, Ra Glai, Rơ Ngao, Xơ Đăng, Xtiêng, Thái, Cơ Tu, Hroi, Mường,... Từ năm 1967, SIL đã cấp các tài liệu này cho trẻ em lớp Vỡ lòng theo cách bắt đầu đọc và viết tiếng mẹ đẻ, rồi sau chuyển dần lên các lớp phổ thông học xen kẽ với tiếng Việt (song ngữ), nhằm "chuyển khả năng đọc tiếng mẹ đẻ sang đọc tiếng Việt". Từ năm 1967 đến năm 1975, đã có khoảng 800 -1000 giáo viên (phần lớn là người bản ngữ) đã được huấn luyện và dạy theo các tài liệu nói trên.
Có hàng loạt sách công cụ (từ điển đối chiếu, ngữ vựng) đã được biên soạn bằng các hệ thống chữ kể trên (về sau này có vàỉ hệ thống đã được sửa đổi ít nhiều, ví dụ: Gia Rai, Ba Na, Ê Đê...) chẳng hạn: Học tiếng Ê đê (Nguyễn Hoàng Chừng, 1961), Thổ Dictionary, Thổ - Vietnamese - English (A. C. Day, 1962), Từ điển Êđê - Pháp và Pháp - Êđê (R.P. Louison Benjamin, 1964) của Sedang Vocabulary (Kenneth D. Smith, 1967), Mnong Rơlơm Dictionary (Henry Blood..., 1976), Klei hriăm boh blu Êđê - Ngữ vựng Êđê (Y Cang Niê Siêng, 1979), Chù chìh dò tơtayh Jeh "Ngữ vựng Jeh" (Patrick D. Cohen, 1979), A Rhade - English Dictionary with English - Rhade Finderlist (James A.Tharp and Y Bhăm, 1980), Katu Dictionary: Katu - Vietnamese - Engỉish (N. A. Costello, 1991)..., cùng với các tài liệu hướng dẫn, các bài báo về từng mặt ngữ pháp của các ngôn ngữ (trong đó đối tượng miêu tả được thể hiện bằng chữ của các dân tộc này).
Trước năm 1975, sự nghiệp xây dựng và truyền bá chữ viết không phải chỉ của tổ chức SIL, mà còn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Các cán bộ Mặt trận đã tiến hành xây dựng chữ Cơ Tu, Xơ Đăng, Bru - Vân Kiều, Pa Cô, Hrê, Co, Mnông, Xtiêng..., cải tiến các bộ chữ Ba Na, Ê Đê, Gia Rai và tổ chức truyền bá, sử dụng chữ các dân tộc thiểu số.
5.3. Thời kì từ sau 1975 đến nay
Đây là thời kì Việt Nam thống nhất.
Năm 1981 phương án chữ Thái theo hệ latin cũng được xây dựng. Ngoài việc xây dựng mới các bộ chữ, các cơ quan có trách nhiệm cũng đã cải tiến nhiều bộ chữ như: chữ Cơ Ho (ở Lâm Đồng), chữ Bru - Vân Kiều, Pa Cô - Ta Ôi (ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), chữ Ra Glai (ở Ninh Thuận), chữ Cơ Tu (ở Quảng Nam), chữ Chăm Hroi, chữ Ba Na Kriêm, chữ Hrê (ở Bình Định), chữ Mnông (ở Đắk Nông, Đắk Lắk), chữ Ca Dong (Xơ Đăng) ở Quảng Nam v.v.. Nhiều công trình xuất bản: Ngữ pháp tiếng Cơ ho (1985), Tiếng Pu Péo (1992), Tiếng Rục (1993), Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam (1993), Ngữ âm tiếng Ê đê (1996), Tiếng Ka tu: Cấu tạo từ (1995), Tiếng Mnông - ngữ pháp ứng dụng (1996), Tiếng Ka tu (1998), Tiếng Bru - Vân Kiều (1998), Tiếng Hà Nhì (2001), Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam (2002), Ngữ âm tiếng Cơ ho (2004), Tiếng Mảng (2008), Ngữ pháp tiếng Cơ tu (2011), Tiếng Mảng (2008), Tìm hiểu ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam (2009), Ngữ pháp tiếng Êđê (2011), Ngữ pháp tiếng Cor (2014), Ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam (2017), Ngữ pháp tiếng Hmông (2019),...
Những công trình từ điển đối dịch đa ngữ: Từ điển Việt - Gia rai (1977), Từ điển Việt - Cơ ho (1983), Từ điển Việt - Tày - Nùng (1984), Từ điển Thái - Việt (1990), Từ điển Việt - Êđê (1993), Từ điển Việt - Mông (Việt - Hmôngz - 1996), Từ vựng các phương ngữ Êđê (1998), Từ điển Cơ tu - Việt, Việt - Cơ tu (2007), Từ điển Êđê - Việt (2015), Từ điển Việt – Cor, Cor – Việt (2024),...
Đã có không ít những sách dạy-học ngôn ngữ dân tộc thiểu số đã được xuất bản. Đó là, Sách học tiếng Pakôh - Taôih (1986), Hdruôm hră hriăm klei Êđê (1988),Sách học tiếng Bru - Vân Kiều (1986), Sách học tiếng Êđê (1988), Hdruôm hră hriăm klei Êđê (2004), Pơrap Kơtu (Tiếng Cơ tu - 2006), Bôq chù Hrê Bình Đình (Bộ chữ Hrê Bình Định - 2008), Xroi Kool -Tiếng Cor (2014)...
Sau Quyết định 53 - CP của Hội đồng Chính phủ (22/2/1980) Việt Nam về chủ trương đối với chữ viết các dân tộc thiểu số, các trí thức dân tộc thiểu số và các nhà ngôn ngữ học Việt Nam đã tiến hành việc hoàn thiện chữ viết Cơ Ho, Co, Hrê, Ba Na, Ra Glai, Mnông, Xơ Đăng, Cơ Tu, Ca Dong,... và dùng các chữ này biên soạn các sách giáo khoa, từ điển đối dịch, ngữ pháp và đưa vào giảng dạy. Nhiều tác phẩm văn nghệ dân gian: luật tục, trường ca, truyện cổ... đã được sưu tầm, biên dịch và xuất bản qua các chữ này.
Nhiều sáng tác văn học, các sách quảng bá, phổ biến về tri thức phổ thông xuất bản bằng song ngữ Việt - dân tộc thiểu số đã được phổ biến rộng rãi khắp cả nước như: Sóng chụ son sao (dân tộc Thái), Tiếng hát làm dâu (dân tộc Mông), Đăm San, Xinh Nhã (dân tộc Ê Đê), Người Mông nhớ Bác Hồ, Chỉ vì quá yêu (dân tộc Mông), Luật tục dân tộc Gia Rai, Luật tục dân tộc Mnông, Văn vĩ quan làng (dân tộc Tày) v.v.. Gần đây, các tác phẩm sử thi của các dân tộc vùng Trường Sơn, Tây Nguyên như sử thi Xtriêng, sử thi Ra Glai, sử thi Mnông, sử thi Gia Rai, sử thi Ê Đê, sử thi Ba Na… đều được sưu tầm và xuất bản bằng song ngữ.
Trong giáo dục, đến năm 2025 đã có 8 ngôn ngữ dân tộc thiểu số (gồm: Thái, Mông, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Chăm, Khmer, Hoa, Ê Đê) được đưa vào giảng dạy trong các trường tiểu học, phổ thông dân tộc nội trú. Nhiều bộ sách giáo khoa bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số hoặc song ngữ dân tộc thiểu số - Việt đã được biên soạn.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngay từ những năm 1956, Đài tiếng nói Việt Nam đã có các chương trình phát thanh bằng tiếng Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, Hrê, Mnông và Châu Mạ, sau đó là tiếng Thái, tiếng Mông, tiếng Mường,… đã được thực hiện. Đến năm 2025, đã có gần 30 ngôn ngữ dân tộc thiểu số được phát sóng trên Đài Phát thanh VOV4 và trên Đài Truyền hình VTV5. Các tỉnh có đông người dân tộc thiểu số cũng có các chương trình phát thanh và truyền hình bằng tiếng ngôn ngữ dân tộc thiểu số: Khơ Me, Chăm, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Cơ Tu, Cơ Ho, Xơ Đăng, Xtriêng, Thái, Mường, Dao, Mông, Mnông, Hrê, Châu Ro, Bru-Vân Kiều, Ta Ôi, Ra Glai,…
Trong sự hợp tác nghiên cứu, nhiều nhà khoa học nước ngoài: Nga, Mĩ, Trung Quốc, Pháp,… đã đến Việt Nam.
Từ những năm 90 của thế kỉ XX, trong khuôn khổ hợp tác Việt - Xô (từ 1979, sau này là Việt - Nga), chương trình Hợp tác Việt-Xô (sau này là Việt - Nga) khảo sát điền dã ngôn ngữ DTTS Việt Nam đã điều tra nhiều ngôn ngữ làm cơ sở biên soạn nhiều công trình dưới dạng tư liệu điền dã: Tiếng La Ha (1986), Tiếng Mường (1987), Tiếng Kxinhmul (1990), Tiếng Pu Péo (1992), Tiếng Rục (1993), Tiếng Cơ Lao (2011).
6. Lời kết
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ.
Đã có không ít các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam được nghiên cứu. Những định hướng:
- Nghiên cứu các ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) ở diện đồng đại, nhằm phát triển các đặc điểm trong các ngôn ngữ này: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, chữ viết, tiếng địa phương (phương ngữ, thổ ngữ),…
- Nghiên cứu các mối quan hệ ngôn ngữ khác nhau: họ hàng, loại hình, địa lí ngôn ngữ học, tiếp xúc…
- Nghiên cứu sự hành chức của ngôn ngữ trong đời sống: cảnh huống ngôn ngữ, chính sách ngôn ngữ, ngôn ngữ trong giáo dục, văn hoá, trên các phương tiện thông tin đại chúng,…
- Nghiên cứu các ngôn ngữ nhằm các mục đích ứng dụng: giáo dục ngôn ngữ và giáo dục bằng ngôn ngữ, chế tác và cải tiến các bộ chữ, biên soạn các sách công cụ (từ điển, ngữ pháp, sách giáo khoa), xác định thành phần tộc người, sưu tầm vốn văn nghệ dân gian, …
Tuy vậy, đến nay nhiều ngôn ngữ và nhiều mặt trong các ngôn ngữ ở Việt Nam chưa được nghiên cứu đầy đủ. Danh sách các ngôn ngữ trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay mang tính ước định. Chưa xác định được phương cách nào có hiệu quả và khả thi cho giáo dục ngôn ngữ ở các vùng dân tộc thiểu số. Chưa có lối thoát hiệu quả ra khỏi tình trạng mai một của các ngôn ngữ có vị thế thấp và ít người nói, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Một số ngôn ngữ đang mai một và cũng có những ngôn ngữ đã thành tử ngữ.
Nhân đây, xin được chia sẻ nhận xét của tác giả René Gillouin (trong cuốn sách nhan đề “Từ Alsace đến Flandre: tính thần bí ngôn ngữ học” – trích dẫn theo Phạm Quỳnh [8]):
“Đối với một dân tộc, mất tiếng mẹ đẻ ngang với mất linh hồn”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Baker, Colin (2008), Những cơ sở của giáo dục song ngữ và vấn đề song ngữ , Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
Gregerson, Marilin (1989), “Ngôn ngữ học ứng dụng: Dạy đọc chữ (tài liệu cho các ngôn ngữ thiểu số)”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 4.
Hồng, Nguyễn Quang (2018), Ngôn ngữ. Văn tự. Ngữ văn, Nxb Khoa học Xã hội, H.
Lợi, Nguyễn Văn (1995), “Vị thế tiếng Việt ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 4.
Lợi, Nguyễn Văn (2012), “Công trình tra cứu về ngôn ngữ và vấn đề bảo tồn ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong”, Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, s. 2(16).
Solncev V.M... [1982], "Về ý nghĩa của việc nghiên cứu các ngôn ngữ phương đông đối với sự phát triển của ngôn ngữ học đại cương", Ngôn ngữ số 4.
Tuệ, Hoàng... (1984), Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam và chính sách ngôn ngữ, Nxb. Khoa học xã hội, H.
Quỳnh, Phạm (2007), Tiểu luận (viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 – 1932), Nxb. Tri thức, H.
Thông, Tạ Văn (1993), “Mối quan hệ giữa chữ và tiếng các dân tộc thiểu số với chữ và tiếng Việt”, Trong: Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, H.
Thông, Tạ Văn – Tùng, Tạ Quang (2017), Ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam, Nxb. Đại học Thái Nguyên.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO Băng Cốc (2007), Tài liệu hướng dẫn Phát triển Chương trình Xóa mù chữ và Giáo dục cho người lớn tại cộng đồng ngôn ngữ thiểu số, NXB Giao thông Vận tải, H.
Cuốn chuyên khảo The Everyday Politics of Resources: Lives and Landscapes in Northwest Vietnam (tạm dịch là Chính trị Đời thường của Tài nguyên: Cuộc sống và Cảnh quan ở Tây Bắc Việt Nam) của Phó Giáo sư Nga Dao, Khoa Khoa học Xã hội, Đại học York (Canada), sẽ được Nhà xuất bản Đại học Cornell phát hành vào ngày 15 tháng 5 năm 2025.
Tác phẩm này đưa ra một phân tích mang tính phê phán những tác động có tính chuyển biến của các dự án phát triển, như đập thủy điện, đồn điền cao su và hoạt động khai thác khoáng sản, đối với đời sống, sinh kế và môi trường của các cộng đồng tại khu vực Tây Bắc Việt Nam. Mặc dù các dự án này đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân, chúng cũng đồng thời dẫn đến tình trạng di dời trên diện rộng, nghèo đói và suy thoái sinh thái.
Dựa trên hơn hai thập kỷ nghiên cứu điền dã sâu sắc, Phó Giáo sư Nga Dao ghi lại những hệ quả bất bình đẳng do các quá trình phát triển này gây ra. Cuốn sách trình bày những câu chuyện sống động từ các cá nhân và cộng đồng bị tước đoạt đất đai và sinh kế, cũng như từ những người đã thích nghi và, trong một số trường hợp, hưởng lợi từ những chuyển đổi này. Thông qua phân tích sắc sảo này, The Everyday Politics of Resources đóng góp kịp thời và sâu sắc vào các cuộc tranh luận về phát triển, bất bình đẳng và biến đổi môi trường trong bối cảnh Việt Nam đương đại.
Chúng tôi trân trọng kính mời các độc giả và học giả quan tâm đến nghiên cứu Đông Nam Á, nghiên cứu Việt Nam học, nghiên cứu phát triển, lĩnh vực nhân học và sinh thái chính trị cùng đón đọc ấn phẩm quan trọng này.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng truy cập trang web chính thức của Nhà xuất bản Đại học Cornell
Trung Quốc và Việt Nam "núi liền núi sông liền sông", trong quá trình lịch sử lâu dài, do các nguyên nhân chính trị, kinh tế và những lý do khác, người Hoa đã di cư đến Việt Nam và định cư ở đây lâu dài. Người Hoa, dù trong quá khứ hay hiện tại, đều đã có những đóng góp cho văn hóa, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác của Việt Nam. Sau khi di cư đến Việt Nam, những tiến bộ về khoa học kỹ thuật và truyền thống văn hóa mà họ mang theo đã tạo nên ảnh hưởng sâu rộng đối với xã hội Việt Nam. Lấy giai đoạn cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam làm bối cảnh nghiên cứu, bài viết này khám phá những đóng góp của người Hoa tại Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế trong thời kỳ này, với hy vọng sẽ giúp người hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của dân tộc Hoa đối với xã hội Việt Nam.
Dựa trên tiêu chuẩn thức biệt dân tộc của Việt Nam, cộng đồng dân tộc Hoa tại Việt Nam, ngoài số lượng đáng kể người Hán và người Ái, còn bao gồm những nhóm người có tổ tiên thuộc 21 tộc người và tộc người khác có nguồn gốc từ Trung Quốc, bao gồm: Thái, Nùng, Bố Y, Rơ Măm, Sán Chay, Lạch, H'Mông (Miêu), Dao, Pà Thẻn, La Chí, Pu Péo, Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô, Phù Lá, Gié Triêng, Mảng, Cống, Xơ Đăng, Cơ Ho, Sán Dìu. Những dân tộc và tộc người này có quan hệ mật thiết với các nhóm dân tộc Miao-Yao (Miêu Dao) và Zhuang-Dong (Choang Động) Trung Quốc. Rất nhiều trong số họ là người di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam sau khi Việt Nam thành lập nhà nước.
Người Hoa di cư vào Việt Nam từ hai con đường chính: di cư tự nhiên và di cư cưỡng ép. Di cư tự nhiên chủ yếu do các lý do tìm kiếm sinh kế, buôn bán, binh sĩ chưa trở về sau chiến tranh, hoặc đi hành hương. Di cư cưỡng ép chủ yếu là để tránh các biến động chính trị trong nước, bị các thế lực nước ngoài hoặc phe phái ly khai bắt ép sang Việt Nam, hoặc cũng khi do nạn buôn người. Các tuyến đường di cư chủ yếu gồm tuyến đường bộ và tuyến đường biển.
Tuyến đường bộ gồm các tuyến sau: thứ nhất là từ Thái Lan theo dòng sông Mê Kông vào vùng Tây Bắc Việt Nam; thứ hai là từ vùng Xishuangbanna thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam, trong đó lại chia làm hai nhánh: một nhánh đi theo sông Hồng đến Lào Cai, Yên Bái, rồi tiếp tục vào vùng trung nguyên phía Bắc Việt Nam, sau đó chuyển hướng về khu vực Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải; nhánh còn lại di chuyển theo dòng sông Đà, rồi đến các khu vực Phong Thổ, Quỳnh Nhai để định cư. Ngoài ra, còn có một số người vượt qua biên giới bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam trực tiếp vào Việt Nam.
Người Quảng Đông, Phúc Kiến chủ yếu di cư sang Việt Nam theo đường biển, họ vượt qua eo biển Quỳnh Châu, rồi đi qua vịnh Bắc Bộ vào Việt Nam. Những người di cư Trung Quốc này, cùng với quá trình phát triển xã hội của Việt Nam, từ vùng Bắc Bộ liên tục di chuyển vào các khu vực Trung Bộ và Nam Bộ. Bên cạnh đó, cũng có một số lượng không nhỏ người di cư Trung Quốc vượt qua vịnh Bắc Bộ trực tiếp di cư vào vùng Trung Bộ và Nam Bộ của Việt Nam.
Những người Hoa di cư vào Việt Nam vẫn duy trì mối liên hệ sâu sắc với Trung Quốc. Từ xưa đến nay, Việt Nam có quan hệ mật thiết với Trung Quốc và chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Nho giáo Trung Hoa. Vì vậy, về mặt văn hóa, sau khi di cư sang Việt Nam, những người Hoa này vẫn mang trong mình sự đồng cảm sâu sắc với Trung Quốc và văn hóa Nho giáo. Về mặt kinh tế, nhờ vào sự nỗ lực không ngừng tại Việt Nam, người Hoa đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể và sở hữu một tiềm lực kinh tế nhất định.
Trước và sau Chiến tranh Nha Phiến (1839), ngành nghề của người Hoa tại Việt Nam trở nên rất đa dạng, gần như trong tất cả các lĩnh vực kinh tế đều có sự hiện diện của họ. Phần lớn người Hoa hoạt động trong lĩnh vực công thương nghiệp. Trong các ngành như xay xát gạo, chế biến đường, kéo bông, dệt vải, đóng tàu, nấu rượu, ép dầu, sản xuất thuốc lá, thực phẩm, gốm sứ, dược liệu, khai khoáng, hóa chất, gia vị, trà, thiết bị điện, cơ khí, cá khô, luyện thép v.v., người Hoa thường là chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc tiểu thương.
Có thể thấy rằng, tại các khu vực tập trung người Hoa, công thương nghiệp phát triển khá mạnh. Vào đầu thế kỷ XX, khu vực Chợ Lớn (khi đó có 94.000 dân, trong đó người Hoa chiếm 49.000 người – hơn một nửa dân số) đã trở thành trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ. Ngoài ra, nhiều người Hoa tại Việt Nam từ nhân viên, công nhân, nông dân, ngư dân đã vươn lên trở thành những nhà tư bản có tiềm lực kinh tế đáng kể.
Đến đầu thế kỷ XX, tổng số người Hoa tại Việt Nam đã đạt đến quy mô lớn, với hơn một triệu người, đứng thứ sáu trong các thành phần dân tộc tại Việt Nam. Người Hoa phân bố rộng khắp trên cả nước, từ miền núi đến đồng bằng, từ thành thị đến nông thôn. Trong hơn một triệu người Hoa, về quê quán thì khoảng 80% là người gốc Quảng Đông, còn lại khoảng 20% đến từ các tỉnh Phúc Kiến, Vân Nam và Quảng Tây. Phần lớn người Hoa sống tại TP. Hồ Chí Minh, với 524.499 người. Ngoài ra, các tỉnh phía Nam có đông người Hoa bao gồm: Hậu Giang (102.571 người), Đồng Nai (84.570), Minh Hải (40.144), Tiểu Hà (32.512), Cửu Long (20.898), Kiên Giang (20.638), An Giang (18.617). Tại miền Bắc có khoảng 300.000 người Hoa, trong đó tỉnh Quảng Ninh có khoảng 180.000 người, TP. Hải Phòng hơn 50.000 người và Hà Nội có 4.015 người.
Trong hơn 200 năm từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, đã có hai đợt di cư quy mô lớn của người Hoa sang Việt Nam. Một là vào cuối đời Minh – đầu đời Thanh, và lần thứ hai là sau thời kỳ Thái Bình Thiên Quốc. Số lượng người Hoa di cư sang Việt Nam ngày càng tăng, với trí tuệ và sự nỗ lực của mình họ đã góp phần to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Trong đó, giai đoạn từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX là thời kỳ nổi bật nhất trong lịch sử.
2. Phân tích bối cảnh người Hoa di cư sang Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX
Từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, Trung Quốc và Việt Nam đều trải qua những biến động triều đại, song cả hai quốc gia vẫn duy trì hình thái xã hội nông nghiệp và tạo nên những thành tựu rực rỡ trong nền văn minh nông nghiệp của mình.
Về phía Trung Quốc, sau sự chuyển giao giữa nhà Minh và nhà Thanh, triều Thanh dần củng cố quyền thống trị trên toàn quốc, tiêu biểu là việc bình định cuộc nổi loạn Tam Phiên vào cuối thế kỷ VVII và thu hồi Đài Loan. Sang giữa thế kỷ XIX, các quốc gia phương Tây bắt đầu xâm nhập vào Trung Quốc, khiến đất nước này dần trở thành một xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Mâu thuẫn giai cấp trong nước ngày càng gay gắt, các cuộc khởi nghĩa nông dân bùng phát liên miên.
Về phía Việt Nam, vào cuối thế kỷ XVII, tuy trên danh nghĩa là do triều Hậu Lê (1428–1788) cai trị, nhưng trên thực tế đất nước bị phân chia thành hai thế lực phong kiến: họ Trịnh ở phía Bắc (Đàng Ngoài) và họ Nguyễn ở phía Nam (Đàng Trong). Miền Bắc lấy Thăng Long làm trung tâm, dưới quyền kiểm soát của chúa Trịnh; miền Nam lấy Thuận Hóa làm trung tâm, do chúa Nguyễn cai trị. Cả hai thế lực này đều xưng thần với triều Hậu Lê.
Năm 1771, khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra. Cuộc khởi nghĩa nông dân này lần lượt tiêu diệt thế lực họ Nguyễn và họ Trịnh, đến năm 1788 quân khởi nghĩa Tây Sơn lật đổ triều Hậu Lê và lập nên chính quyền Tây Sơn. Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, niên hiệu Quang Trung. Năm 1802, Nguyễn Ánh, hậu duệ của chúa Nguyễn, lật đổ chính quyền Tây Sơn, lập nên triều Nguyễn (1802–1945). Dưới thời Gia Long (1802–1820) và Minh Mạng (1820–1841), đất nước đạt tới thời kỳ cường thịnh, kinh tế phồn vinh.
Tuy nhiên, đến năm 1858, khi triều Nguyễn đang dưới thời vua Tự Đức (1847–1883), thì thực dân Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam. Sự bành trướng của người Pháp không chỉ đe dọa nền độc lập và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, mà còn phá vỡ hệ thống triều cống ở Viễn Đông với Trung Quốc là trung tâm. Tại Việt Nam, các thế lực phương Đông và phương Tây bắt đầu va chạm gay gắt.
Trong bối cảnh lịch sử đó, làn sóng di cư của người Trung Quốc vào Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, tạo nên cộng đồng người Hoa đông đảo trong thời kỳ này. Thành phần di cư phần lớn bao gồm các cựu thần và di dân nhà Minh, thương nhân, thợ mỏ, tàn quân của các cuộc khởi nghĩa nông dân và thành viên của các hội kín Trung Hoa. Cùng với thời gian, để thích nghi và phát triển tại địa phương, một bộ phận người Hoa đã dần hòa nhập vào xã hội sở tại và trở thành người Hoa Việt Nam.
Khác với tính chất xâm lược, bành trướng của thực dân phương Tây, người Hoa tại Việt Nam mang đậm dấu ấn của văn hóa Nho giáo – ôn hòa, kính nhường, tiết kiệm và lễ độ. Họ đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
3. Đóng góp kinh tế của người Hoa tại Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX
Sau khi di cư vào Việt Nam, với kiến thức sản xuất, tri thức khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm phong phú tích lũy được, người Hoa đã lao động chăm chỉ và có những đóng góp to lớn cho sự phát triển xã hội của Việt Nam trong các thời kỳ khác nhau. Trong đó, những đóng góp nổi bật nhất của họ thể hiện ở lĩnh vực kinh tế. Từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, người Hoa đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình khai phá kinh tế sơ kỳ tại các địa phương của Việt Nam. Những người Hoa di cư trong giai đoạn này đã mang đến kỹ thuật nông nghiệp tương đối tiên tiến của Trung Quốc lúc bấy giờ, đồng thời tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng hải và thương mại. Chính nhờ những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đó mà nhiều người Hoa cùng với người dân bản địa đã không ngừng khai phá và xây dựng quê hương. Họ đã đóng góp rất lớn trong các lĩnh vực nông nghiệp, khai hoang, xây dựng cảng biển, khai thác mỏ, làm đường giao thông, v.v.
3.1. Trong lĩnh vực nông nghiệp
Ngay từ năm 1679 (niên hiệu Khang Hy thứ 18), Trần Thượng Xuyên (*) đã dẫn theo hơn 3.000 quan binh và thân quyến, chia nhau lên hơn 50 chiến thuyền tiến về phía Nam Việt Nam, đầu quân cho chính quyền họ Nguyễn tại Thuận Hóa. Chúa Nguyễn Phúc Tần tiếp nhận và giữ nguyên cơ cấu thủy quân của họ, phong chức tước và an trí họ tại vùng Đông Phố để tiến hành khai khẩn. Trần Thượng Xuyên cùng quan binh đã khai phá vùng đất rộng lớn ở đại phố châu dọc theo sông Đồng Nai, xây dựng phố chợ, khởi đầu cho một thập kỷ phát triển mang đậm dấu ấn văn hóa Trung Hoa thời Minh. Ông đặc biệt chú trọng đến việc “thu hút thương nhân người Hoa, xây dựng phố xá”, từ đó lôi kéo thêm nhiều Hoa kiều trong khu vực và thu hút thương nhân các nước đến buôn bán, biến Đồng Nai thành đô thị và trung tâm thương mại lớn ở miền Nam Việt Nam. Từ một vùng đất hoang vắng dân cư thưa thớt, đến năm 1698, dân cư nơi đây đã vượt quá 40.000 hộ, phần lớn là Hoa kiều. Sau đó, ông còn dẫn dắt công cuộc khai phá khu vực sông Mê Kông trong suốt tám năm, góp phần to lớn vào việc phát triển các vùng đất mới.
Nhờ sự khai phá cần cù của người Hoa và người dân địa phương, đến đầu thế kỷ XIX, khu vực Tiền Giang và Hậu Giang đã trở thành vựa lúa, vựa cá trù phú của Việt Nam. Trong lĩnh vực thủy lợi, người Hoa cũng có nhiều đóng góp nổi bật như nạo vét sông An Thông, sông Vĩnh Thanh, sông Thụy. Do sông An Thông khi ấy khá nhỏ hẹp, nên năm 1819, vua Gia Long của triều Nguyễn quyết định tổ chức đại quy mô xây dựng công trình thủy lợi sông An Thông, trong đó người Hoa đã đóng góp đáng kể.
Từ sau thế kỷ XVII, nhờ sự nỗ lực khai khẩn, đào kênh mương, xây dựng thủy lợi, mở đất trồng trọt và phát triển nông nghiệp của người Hoa và người Việt, vùng châu thổ sông Mê Kông vốn dĩ là mạng lưới kênh rạch phức tạp đã được chuyển hóa thành những cánh đồng mía, ruộng lúa màu mỡ.
Tại khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam, nhiều người Hoa cũng tiến hành canh tác trong lãnh thổ Việt Nam. Chẳng hạn như người Quảng Tây từ đầu thế kỷ XVIII đã đến Việt Nam làm nông, khai khẩn đất hoang, xây dựng hệ thống thủy lợi. Về sau, nhiều thửa ruộng, đập và bờ bao được đặt theo tên người Hoa như ruộng Lữ Lục ở huyện Quảng Hòa, tỉnh Quảng Ninh; đập Lão Lưu, đê vòng Tằng Nhị, v.v.
Sau khi cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc thất bại, nghĩa quân Quảng Tây đã lần lượt di cư sang Việt Nam để canh tác. Tướng sĩ Hắc Kỳ quân cũng từng thực hiện chính sách đồn điền khi hoạt động tại Việt Nam. Những đóng góp này đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển nông nghiệp ở các khu vực liên quan.
3.2. Về phương diện thương mại
Người Hoa di cư sang Việt Nam, bất kể vì lý do gì hay bằng con đường nào, sau khi định cư tại Việt Nam, phần lớn đều tham gia vào các hoạt động buôn bán. Nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam lâu nay vốn là một xã hội phong kiến khép kín, kinh tế tự nhiên chiếm ưu thế, trong khi đó, buôn bán lại là phương thức mưu sinh thuận tiện hơn cả đối với những người Hoa phải rời xa quê hương. Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, là điểm giao thông trọng yếu giữa Đông và Tây, từ xưa đã trở thành địa bàn cho các thương nhân quốc tế lui tới buôn bán, đồng thời luôn đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới thương mại ở khu vực Nam Dương.
Trong thời kỳ tranh chấp giữa họ Trịnh và họ Nguyễn, chính quyền họ Nguyễn ở Quảng Nam tích cực phát triển thương mại hải ngoại, mở rộng thu hút thương nhân nước ngoài đến buôn bán. Victor Purcell trong tác phẩm The Chinese in Southeast Asia đã viết: “Vào nửa sau thế kỷ XVI, khi thương nhân châu Âu đến Đông Dương, vua xứ Giao Chỉ đã cho phép người Hoa lựa chọn nơi thuận tiện để xây dựng một khu phố buôn bán trên lãnh thổ của mình. Thành phố đó chính là Hội An, nay thuộc miền Trung Việt Nam, được chia thành hai khu: khu người Hoa và khu người Nhật… Trong suốt khoảng thời gian bảy tháng của mùa giao thương, các thương nhân nước ngoài đến buôn bán tấp nập, sau đó lại mang hàng hóa trở về.”
Vào thế kỷ XVII và XVIII, Hội An trở thành nơi tụ hội của đông đảo thương nhân Hoa kiều, tàu thuyền nước ngoài qua lại thường xuyên, hoạt động thương mại vô cùng phát triển. Cuối thế kỷ XVII, phố người Hoa ở Hội An đã dài tới ba, bốn dặm. Đến năm 1768, Hội An đã có khoảng 6.000 người Hoa sinh sống, khiến cho hoạt động thương mại ở vùng đất này trở nên đặc biệt sôi động và thịnh vượng.
Vào đầu thế kỷ XVIII, sự khai phá khu vực Hà Tiên của cha con họ Mạc đã biến vùng đất hoang sơ này thành một cảng biển lý tưởng. Nhờ sự khai phá của người Hoa, khu vực Tiền Giang và Hậu Giang thuộc đồng bằng sông Mê Kông trở nên màu mỡ, đồng thời đặt nền móng cho sự phồn thịnh về thương mại của quận Chợ Lớn (nay thuộc TP. Hồ Chí Minh) và khu vực biên giới phía Nam Việt Nam ngày nay.
Vào cuối thế kỷ XVIII, Chợ Lớn bắt đầu hưng khởi. Những người Hoa tham gia thương mại quốc tế phần lớn đều có tàu thuyền riêng và phạm vi hoạt động rộng lớn. Sau khi Nguyễn Phúc Ánh thống nhất Việt Nam (năm 1802), phần lớn người Hoa tập trung tại Chợ Lớn để kinh doanh. Đầu thế kỷ XIX, Chợ Lớn trở thành nơi phồn vinh nhất Việt Nam, ở đây, thương nhân tụ hội đông đúc, với nhiều hội quán người Hoa, bang hội, hội đồng hương, miếu Quan Công, miếu Thiên Hậu… nên được mệnh danh là “Trung Hoa hải ngoại.”
Trong dòng chảy dài của lịch sử di cư và trong quá trình mưu sinh cũng như phát triển, người Hoa tại Việt Nam chủ yếu tập trung tại các thành phố phía Nam, nơi có nền kinh tế thương mại phát triển. Thực tế cho thấy, sự hình thành và hưng thịnh của một số đô thị không thể tách rời khỏi những đóng góp kinh tế và hoạt động khai phá của người Hoa. Sau khi các đô thị này phát triển lên, chúng tiếp tục thu hút đông đảo thương nhân Hoa kiều và cả các thương nhân Việt từ các vùng khác.
Vào những năm 1820, trong số khoảng 315 tàu buôn Trung Quốc ra nước ngoài mỗi năm, có đến một phần ba hướng đến Việt Nam. Dọc theo các cảng lớn nhỏ trên vùng duyên hải An Nam, người Hoa hiện diện khắp nơi - từ những người bán hàng rong cho đến các thương nhân giàu có, từ chủ tàu đến quan chức thu thuế cảng, đều có sự tham gia rộng rãi của người Hoa. Các thành phố cảng của Việt Nam tràn ngập hàng hóa, trong đó phần lớn các mặt hàng như trà, dược phẩm, đồ gốm sứ đều do các thuyền buôn Trung Quốc mang đến.
Từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, thương mại hàng hải của Việt Nam rất thịnh vượng. Chợ Hội An trở thành trung tâm thương mại sôi động với vô vàn loại hàng hóa đa dạng, khó có thể kể hết. Người Hoa chủ yếu kinh doanh các mặt hàng xuất khẩu là đặc sản địa phương của Việt Nam như: tơ sống, tơ lụa, gỗ mun, trầm hương, đường, quế, hồ tiêu, gạo... Còn các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm: gốm sứ thô và tinh, giấy, trà, bạc, vũ khí và các hàng hóa phương Tây. Dưới thời nhà Thanh, số lượng người Hoa hoạt động trong lĩnh vực thương mại hàng hải tại Việt Nam rất đông đảo và có ảnh hưởng lớn. Người Hoa và các thuyền buôn của họ đã trở thành một lực lượng kinh tế không thể xem nhẹ trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam thời bấy giờ.
Người Hoa không chỉ đóng vai trò tích cực trong thương mại hàng hải mà còn có những đóng góp to lớn đối với thương mại biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc và Việt Nam. Dưới triều đại nhà Thanh, chính sách mở cửa của Trung Quốc cho phép thương nhân Hoa kiều ra nước ngoài buôn bán. Phía Việt Nam cũng thiết lập các thị trấn biên giới để đón tiếp thương nhân Trung Quốc đến giao thương. Hình thức thương mại biên giới này có hai đặc điểm nổi bật:
(1) Dòng chảy thương mại: Hàng hóa giao thương chủ yếu là hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam; rất ít hàng Việt Nam được đưa ngược trở lại Trung Quốc. Các mặt hàng Trung Quốc chủ yếu là nhu yếu phẩm hàng ngày, phục vụ không chỉ cho người dân Việt mà còn cho khoảng 25.000 thợ mỏ Trung Quốc đang làm việc tại các mỏ ở miền Bắc Việt Nam.
(2) Chủ thể giao thương: Phần lớn thương nhân tham gia thương mại biên giới là người Trung Quốc hoặc Hoa kiều, trong khi đội ngũ quản lý thương mại biên giới phía Việt Nam lại có không ít người gốc Hoa.
Do đó, người Hoa đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển hoạt động thương mại biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thời kỳ này.
Tóm lại, từ nửa sau thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, người Hoa làm thương mại, chủ yếu là các tiểu thương bán lẻ, đã có mặt khắp các thành thị và nông thôn Việt Nam, cung cấp đa dạng hàng hóa thiết yếu cho đời sống nhân dân. Vì vậy có thể thấy, người Hoa đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển thương mại của Việt Nam trong giai đoạn lịch sử này.
3.3. Về phương diện khai thác khoáng sản
Lãnh thổ Việt Nam từ Bắc vào Nam đều có trữ lượng khoáng sản khá dồi dào và đa dạng. Những tài nguyên phong phú này đã được khai thác từ thời hậu Lê. Trước thời kỳ Lê Hiển Tông Cảnh Hưng (1740–1786), các khu vực có vàng, bạc, đồng, chì ở miền Bắc hầu như đều đã được mở mỏ khai thác. Do nhu cầu khoáng sản ngày càng tăng, chính quyền phong kiến Việt Nam đã ban hành chính sách khai khoáng tích cực, khuyến khích người nước ngoài đầu tư khai thác.
Nhiều người Hoa đã hưởng ứng lời kêu gọi này, liên tiếp đổ sang Việt Nam đầu tư mở mỏ. Chính quyền Việt Nam cũng sẵn sàng dựa vào vốn liếng của người Hoa để phát triển ngành khai thác khoáng sản trong nước. Mặc dù các triều đình Việt Nam sau đó có ban hành nhiều quy định nhằm hạn chế quy mô và số lượng công nhân ở các mỏ, song trên thực tế, các quy định này ít khi được thực thi nghiêm túc. Phần lớn các mỏ do người Hoa đầu tư đều vượt quá giới hạn cho phép và số lượng công nhân người Hoa tăng mạnh.
Trong thời Nguyễn, nhờ tiến bộ trong kỹ thuật khai thác và nhu cầu khoáng sản gia tăng, quy mô và phạm vi khai thác mỏ cũng được mở rộng đáng kể. Nhà Nguyễn đã cải cách chính sách khai khoáng, tăng cường kiểm soát các mỏ bằng việc yêu cầu mọi hoạt động khai thác tư nhân phải xin phép và nộp thuế cho triều đình. Chính sách này được gọi là “lãnh chinh chế” (tức chế độ thuê khai thác có đóng thuế). Người nhận quyền khai thác được gọi là “thuế hộ”. Chính sách này cho thấy sự coi trọng của nhà Nguyễn đối với ngành công nghiệp khai khoáng, và từ đó, thương nhân Hoa kiều chuyển sang hình thức khai thác theo chế độ “thuế hộ”.
Người Hoa không chỉ giúp đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu khoáng sản trong nước mà còn nộp một lượng thuế lớn cho triều đình phong kiến Việt Nam, đồng thời bản thân các thương nhân cũng thu được lợi nhuận lớn từ hoạt động này. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành khai khoáng do người Hoa dẫn dắt đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại nhiều khu vực, đặc biệt là vùng miền núi. Các khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam vốn trước đó kinh tế lạc hậu, nhưng từ khi có người Hoa mở mỏ, nhiều cơ sở kinh doanh như nhà trọ, quán ăn, hiệu thuốc cũng xuất hiện ngày một nhiều.
4. Kết luận
Từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, người Hoa đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tại miền Nam, họ cùng với người dân bản địa khai khẩn và kiến thiết vùng đất mới, đặt nền móng cho sự phồn thịnh của miền Nam Việt Nam ngày nay. Trải qua thời gian, để thích nghi và phát triển lâu dài, một bộ phận người Hoa đã dần hòa nhập vào xã hội Việt Nam, trở thành một phần cấu thành của cộng đồng dân tộc Việt.
Việc người Trung Quốc di cư sang Việt Nam thực chất là sự dịch chuyển dân cư trong nội bộ nền văn minh nông nghiệp truyền thống, từ một xã hội nông nghiệp sang một xã hội nông nghiệp khác. Khác sự xâm nhập mang tính bành trướng và thực dân của các nước phương Tây, người Hoa mang theo đặc tính của văn hóa Nho giáo – ôn hòa, khiêm tốn, tiết kiệm và nhân ái – sống hòa thuận với cư dân sở tại, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của Việt Nam, đồng thời cũng viết nên một chương rực rỡ trong lịch sử giao lưu giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Chú thích:
(*) Trần Thượng Xuyên (1626–1715) là một lãnh tụ Hoa kiều nổi tiếng đã di cư sang Việt Nam vào cuối thời Minh đầu thời Thanh. Ông cũng là một trong những lãnh tụ Hoa kiều sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ông đã có những đóng góp xuất sắc trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa Trung – Việt, được người dân địa phương cùng cộng đồng Hoa kiều, người Hoa yêu mến và tôn kính.
Tài liệu tham khảo
1. You Jianshe. 试析17世纪后期至19世纪中期越南封建政府的华人华侨政策"Shixi 17 Shiji Houqi zhi 19 Shiji Zhongqi Yuenan dui Fengjian Zhengfu de Huaren Huaqiao de Zhengce" ["Thử phân tích chính sách đối với Hoa kiều và người Hoa của chính quyền phong kiến Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX"]. In trong Tạp chí Đại học Sư phạm Tây Nam Trung Quốc, số 6, tháng 11 năm 2006.
2. Yang Jianfa. "Yuenan Huaqiao Huaren Jinkuang" ["Tình hình gần đây của Hoa kiều và người Hoa ở Việt Nam"]. In trong Nghiên cứu Đông Nam Á, số 1, năm 1991.
3. Yan Xing, Zhang Zhuomei. "Yuenan Huaren: Lishi yu Gongxian" ["Người Hoa ở Việt Nam: Lịch sử và cống hiến"]. In trong Tạp chí Đại học Cao đẳng Sư phạm Văn Sơn, số 1, tháng 5 năm 2002.
4. Trần Trọng Kim. Lược sử Việt Nam. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
5. Đặng Nghiêm Vạn. Cộng đồng quốc gia Việt Nam. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2003.
6. Victor Purcell. Người Hoa ở Đông Nam Á. Nhà xuất bản Đại học Oxford, 1965.