Đại Việt Sử ký Toàn thư
Bộ "Đại Việt Sử ký Toàn thư" còn lại đến ngày nay là một bộ Quốc sử lớn, có giá trị, lần đầu tiên được khắc in toàn bộ và công bố vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hoà thứ 18, triều Lê Hy Tông, tức năm 1697. Trong lời tựa của lần xuất bản đó - gọi là Tựa Đại Việt sử ký tục biên - nhóm biên soạn đứng đầu là Tham Tụng, Hình bộ thượng thư tri Trung thư giám Lê Hy, cho biết bộ Quốc sử này là kết quả của một quá trình biên soạn, tu bổ qua nhiều đời. Vì vậy, bộ "Đại Việt Sử ký Toàn thư" là một công trình tập đại thành nhiều bộ sử do nhiều nhà sử học của các đời biên soạn, từ Lê Văn Hưu đời Trần, qua Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh đời Lê sơ, đến Phạm Công Trứ, Lê Hy đời Lê Trung hưng, cùng những người cộng sự với họ. Theo bản in từ ván khắc năm Chính Hoà 18 (1697) mang danh hiệu bản in Nội các quan bản - từ đây gọi tắt là bản Chính Hoà - bộ sử này gồm quyển thủ 24 quyển, biên chép một cách hệ thống lịch sử dân tộc từ họ Hồng Bàng đến năm 1675. Bản khắc Chính Hòa (khắc in năm 1697) không chỉ có giá trị về nội dung lịch sử, mà còn là một di sản văn hóa vô giá, phản ánh trình độ khắc in, ngôn ngữ học, và tư tưởng chính trị - đạo lý Nho giáo đậm nét của xã hội Việt Nam thời kỳ hậu Lê. Đây cũng là bản in cổ duy nhất còn lưu truyền đầy đủ cho đến nay, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá cao, xem như nguồn tư liệu nền tảng trong việc tìm hiểu lịch sử và văn hóa Đại Việt trung đại. Hiện nay, bản khắc Đại Việt Sử ký Toàn thư thời Chính Hòa đang được lưu giữ tại Thư viện Khoa học Xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Bản số hoá có thể tra cứu của bộ "Đại Việt Sử ký Toàn thư" năm Chính Hoà thứ 18 này được thiết kế và thực hiện bởi Văn phòng Nôm Na (Hà Nội), gồm các cộng sự: Tô Trọng Ðức, Vũ Xuân Lương, Lê Văn Cường, Lương Thị Hạnh, và Ngô Thanh Giang, dưới sự chỉ đạo của Giáo sư John Balaban, học giả Ngô Thanh Nhàn và Tiến sĩ Ngô Trung Việt. (Sắp ra mắt)