1. Giới thiệu về Bộ sưu tập
Bộ sưu tập Tinh hoa Văn học và Ngôn ngữ Việt Nam là một tập hợp các công trình nghiên cứu quan trọng về văn học, ngôn ngữ và chữ viết Việt Nam. Đây không chỉ là một kho tư liệu phản ánh chiều sâu của di sản văn hóa dân tộc qua nhiều thời kỳ, mà còn là một nền tảng quan trọng phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực khoa học nhân văn. Bộ sưu tập này mang đến một góc nhìn toàn diện về sự phát triển của văn học Việt Nam, từ thời kỳ trung đại đến hiện đại, đồng thời làm nổi bật những giá trị văn hóa và tư tưởng gắn liền với từng giai đoạn lịch sử.
2. Vai trò của bộ sưu tập trong nghiên cứu văn học và ngôn ngữ
Bộ sưu tập không chỉ tập trung vào các tác phẩm văn học tiêu biểu, mà còn đưa vào hệ thống nghiên cứu về các thể loại văn chương quan trọng như lục bát, song thất lục bát, truyện thơ, và văn xuôi bác học. Sự phong phú về thể loại không chỉ giúp người đọc hiểu rõ hơn về sự vận động của văn học Việt Nam qua các thời kỳ, mà còn mở ra hướng tiếp cận liên ngành giữa văn học và ngôn ngữ học.
Bên cạnh đó, bộ sưu tập còn tập trung vào các nghiên cứu về chữ viết và ngữ âm tiếng Việt trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Những văn bản chữ Hán - Nôm, chữ Quốc ngữ sơ kỳ và các tư liệu ngôn ngữ học khác trong bộ sưu tập đã cung cấp một nguồn dữ liệu quý giá để nghiên cứu sự hình thành và phát triển của tiếng Việt. Điều này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với ngành ngôn ngữ học lịch sử mà còn đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản chữ viết dân tộc.
3. Di sản văn hóa và sự tiếp nối truyền thống
Một trong những đóng góp quan trọng của bộ sưu tập là giúp người đọc tiếp cận các tác phẩm văn học cổ điển qua những nghiên cứu có giá trị, làm sáng tỏ những tầng ý nghĩa ẩn chứa trong từng tác phẩm. Chẳng hạn, việc nghiên cứu về Truyện Kiều không chỉ dừng lại ở phân tích văn bản mà còn mở rộng sang những phương diện như thi pháp, lịch sử văn bản học, và sự tiếp nhận của độc giả qua các thời kỳ. Tương tự, những nghiên cứu về Chinh phụ ngâm hay các tác phẩm của Đoàn Thị Điểm đã làm rõ những đặc trưng của văn chương nữ lưu và vai trò của phụ nữ trong đời sống văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, bộ sưu tập còn góp phần vào việc nhận diện và bảo tồn những giá trị ngôn ngữ, văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện đại. Những nghiên cứu về từ vựng, ngữ âm, và ngữ pháp tiếng Việt trong quá khứ không chỉ có giá trị học thuật mà còn có thể đóng góp vào công tác giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, cũng như việc biên soạn từ điển và tư liệu ngôn ngữ.
4. Tính liên ngành và ứng dụng trong nghiên cứu hiện đại
Trong bối cảnh nghiên cứu hiện nay, bộ sưu tập Tinh hoa Văn học và Ngôn ngữ Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc lưu trữ tri thức mà còn mở ra những hướng tiếp cận mới, kết hợp giữa các phương pháp nghiên cứu truyền thống với công nghệ hiện đại. Việc số hóa các văn bản Hán - Nôm và sử dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý văn bản đã giúp việc tiếp cận tư liệu trở nên thuận tiện hơn, đồng thời tạo cơ sở cho những phân tích ngôn ngữ học corpus-based (dựa trên ngữ liệu lớn). Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả nghiên cứu mà còn tạo ra cơ hội kết nối giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Hơn nữa, bộ sưu tập cũng thể hiện rõ tinh thần đối thoại học thuật giữa các thế hệ nghiên cứu. Những công trình kinh điển của các học giả tiền bối được tiếp tục khai thác, đối chiếu với các phát hiện mới, từ đó góp phần làm phong phú thêm hiểu biết về văn học và ngôn ngữ Việt Nam. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển di sản học thuật, đồng thời khẳng định vai trò của bộ sưu tập như một trung tâm tri thức có tầm ảnh hưởng sâu rộng.
5. Lời kết
Bộ sưu tập Tinh hoa Văn học và Ngôn ngữ Việt Nam không chỉ là một kho tư liệu quý giá mà còn là một biểu tượng của sự tiếp nối và phát triển trong nghiên cứu văn học và ngôn ngữ học. Với nội dung phong phú, phương pháp tiếp cận đa dạng và khả năng ứng dụng rộng rãi, bộ sưu tập này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa hiện nay, việc tiếp tục nghiên cứu và mở rộng bộ sưu tập này sẽ góp phần khẳng định vị thế của văn học và ngôn ngữ Việt Nam trong nền tri thức nhân loại, đồng thời tạo điều kiện cho sự giao lưu học thuật giữa các nền văn hóa trên thế giới.
Bởi lẽ tự nhiên là “Việt Nam Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông”, mà sự tiếp xúc văn hoá–ngôn ngữ giữa hai nước Việt–Trung đã diễn ra từ rất lâu đời và vô cùng sâu đậm. Từ những thế kỉ trước Công nguyên cho đến thế kỉ X là thời kì nước ta chịu sự đô hộ của phong kiến phương Bắc, sự tiếp xúc ngôn ngữ Việt Hán chủ yếu là thông qua “con đường khẩu ngữ”. Giới quan chức cũng như những người dân thường (đặc biệt là thương nhân) đã sang cai trị và làm ăn sinh sống ở đất Việt, và qua họ người Việt đã thu nạp vào trong tiếng nói của mình không ít những từ ngữ thông thường, mà phần nhiều vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay, như : buồng (房), buồm (帆), đuốc(烛), đũa (箸), mùa (务), múa (舞)… Từ thế kỉ X trở đi, nước ta giành được độc lập, bắt tay vào công cuộc xây nền tự chủ. Trong bước đầu gây dựng đất nước, từ thời Lý–Trần, cha ông chúng ta đã biết dựa vào văn hoá Hán và chữ Hán để đào tạo nhân tài. Trong công cuộc này, người Việt đã ít khi có dịp tiếp xúc trực tiếp với người Trung Hoa, cho nên “con đường khẩu ngữ” đã lùi dần vị thế gần như độc tôn trước đây để nhường chỗ cho “con đường sách vở”. Và đây chính là lúc cách đọc chữ Hán ở Việt Nam bắt đầu thoát li khỏi ngữ âm thực tế của tiếng Hán ở Trung Hoa, dần dần hình thành hệ thống âm Hán Việt. Cũng từ thời trung đại, tiếng Việt và tiếng Hán đều rất gần gũi nhau về mặt loại hình: đều là ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính. Với hai ngôn ngữ cùng chung loại hình, lại có cách đọc Hán Việt hoàn chỉnh như vậy, thì hàng loạt các từ ngữ tiếng Hán đi vào tiếng Việt để làm thành một lớp từ ngữ Hán Việt khá phong phú trong tiếng Việt là điều rất tự nhiên.
Như vậy, từ ngữ Hán Việt đi vào tiếng Việt là qua con đường sách vở và có lẽ chỉ những người có học mới thực sự am hiểu và thường xuyên sử dụng. Còn đại đa số người dân thất học, những người nông dân chân lấm tay bùn, thì họ chỉ có thể nắm biết được một ít những từ Hán Việt đơn tiết thông thường (như: thiên (天), địa (地), quỷ (鬼), thần(神), cúng 供, tế (祭),…), những từ Hán Việt đã Việt hoá triệt để đôi khi cả về mặt ngữ âm, được gọi là từ ngữ “Hậu Hán Việt” (như: gan (胆), gương (镜), rồng (龙), rạng (朗), vạch (划), vẽ (画), ...), những từ gốc Hán từ trước khi hình thành âm Hán Việt, được gọi là từ ngữ “Tiền Hán Việt” (như đã dẫn ở trên: buồng (房), buồm (帆), đuốc (烛), đũa (箸), mùa (务), múa (舞),…) và cả những từ đi vào tiếng Việt theo con đường khẩu ngữ từ bà con Hoa kiều ở thời hiện đại (như: vằn thắn, tào phớ, phá xang, tổ tôm, tài xế, mì chính). Chỉ từ sau Cách mạng Tháng Tám, những người nông dân mù chữ ấy mới có dịp học hành, mới có dịp tham gia vào các sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt xã hội, khi ấy họ mới có dịp tiếp xúc với những từ Hán Việt đánh dấu cho sự khởi đầu cuộc sống mới của họ: “Có khai hội, yêu cầu, chất vấn. Có mẹ hiền bắt rận cho những đứa con xa” (như nhà thơ Hồng Nguyên đã ghi lại trong bài Nhớ). Nhờ vậy, từ Hán Việt chẳng những không bị bài trừ, mà còn có cơ phát triển thêm lên.
Trong đời sống ngôn ngữ hôm nay ở Việt Nam, dường như đã và đang có một xu hướng khác rất đáng ghi nhận. Đó là ngày càng xuất hiện nhiều hơn những từ ngữ Hán Việt tự tạo (nội sinh), tức là những từ ngữ được chính người Việt tạo ra trên cơ sở vốn liếng đã có từ cha ông để lại – những ngữ tố gốc Hán đọc với âm Hán Việt. Đó là trường hợp của những từ ngữ như: sơ tán, di tản, cư xá, tiếp viên, tiếp thị, hội nhập, hội thảo, hội chứng, lập trình, ứng viên, ứng xử, cư xá,…. Những từ ngữ như vậy, tuy có thể “phiên chuyển” thành chữ Hán như: 初散,移散,接员,接市,会入,会讨,会症,立程,应员,应处,居舍… nhưng trong một số từ điển tiếng Hán hiện đại như Từ điển Hán ngữ hiện đại (现代汉语词典), Từ điển quy phạm Hán ngữ hiện đại (现代汉语规范词典) đều không hề tìm thấy chúng. Đó chính là sản phẩm của người Việt một khi họ thực sự làm chủ cái vốn ngữ tố Hán Việt cơ bản từ lâu đã có cuộc sống riêng trong tiếng Việt. Một đôi khi chính những từ ngữ Hán Việt nội sinh này đã đẩy lùi những từ ngữ Hán Việt nguyên ngữ đã một thời vang bóng trước đây, như hội thảo đã thay thế hẳn khai hội (开会), và phần nào thay thế cho hội nghị (会议). Tuy nhiên, cũng không nên nghĩ rằng ngày nay không còn dịp để mượn từ Hán Việt “nguyên khối” từ tiếng Hán. Chẳng hạn, gần đây Bộ Giáo dục đã cho thành lập Cục Khảo thí và Kiểm tra chất lượng giáo dục, trong tên gọi đó có từ Hán Việt “nguyên khối” khảo thí(考试), chứ không phải là từ Hán Việt tự tạo thi cử.
Trong khoảng một hai chục năm gần đây, có một con đường mới hẳn đang hình thành để từ ngữ tiếng Hán đi vào sách báo tiếng Việt. Đó là “con đường dùng phiên âm” dựa theo “phiên âm tự mẫu” của tiếng Hán. “Phiên âm tự mẫu” là bộ chữ cái Latin dùng để chú âm (phổ thông) cho chữ Hán, được Chính phủ Trung Quốc công bố năm 1958. Hiện nay, bộ chữ cái này đã được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc cũng như trên quốc tế, khi có nhu cầu ghi âm cho các chữ Hán, đặc biệt là dùng cho nhân danh, địa danh, tên các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, bộ môn, các sản phẩm và tác phẩm v.v… Chữ Quốc ngữ của ta cũng là một thứ chữ ghi âm theo chữ cái Latin, cho nên việc tiếp nhận các từ ngữ Hán vào văn bản Việt dưới hình thức “phiên âm tự mẫu” là việc quá ư thuận lợi. Qua khảo sát bước đầu của chúng tôi trên một vài tờ báo ở Hà Nội (báo “Thể thao và Văn hoá) và Thành phố Hồ Chí Minh (báo “Thanh niên”) trên các số phát hành gần đây (tháng 2 và tháng 3/2006), xin nêu một vài thí dụ như sau:
1. “Với số dân 60.000 người, nằm cách thành phố Thượng Hải khoảng 130 km về phía bắc, làng Huaxi thuộc tỉnh Giang Tô là niềm mơ ước của nhiều người. Thứ đồ trang trí đẹp nhất, giá trị nhất cho những con đường làng ở Huaxi chính là hình ảnh những nụ cười rạng rỡ của người dân nơi đây…” (trong bài “Thiên đường” ở Trung Quốc, báo Thanh Niên, số 87, thứ ba, 28/3/2006).
2. “Người đề ra công thức này không ai khác chính là vị cựu trưởng làng Wu Renbao…” (trong bài “Thiên đường” ở Trung Quốc, báo Thanh Niên, số 87, thứ ba ngày 28/3/2006).
3. “Đối với người dân Wuli, một ngôi làng ở miền đông Trung Quốc, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước chẳng phải chỉ là chuyện trên bàn giấy…” (trong bài Làng ung thư ở Trung Quốc, báo Thanh Niên, số 80, thứ ba, ngày 21/3/2006).
4. “Tây An, thành phố lịch sử nổi tiếng thuộc tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, hiện đang tìm kiếm vốn cho chu kì trùng tu mới tại khu lăng mộ của Hoàng đế, nhà cai trị huyền thoại của Trung Quốc, toạ lạc trên đồi Qiaoshan ở huyện Huangling…” (trong bài “Tây An tìm tài trợ trùng tu mộ Hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng, báo Thể thao và Văn hoá, số 36, thứ bảy, ngày 25/3/2006).
5.“Giáo sư He Weifang thuộc khoa Luật của Đại học Bắc Kinh cho biết tình trạng trên xảy ra tại hầu hết các đại học danh tiếng của nước này…” (trong bài Trung Quốc: 60% tiến sĩ đạo văn, báo Thanh Niên, số 75, thứ năm, ngày 16/3/2006).
6. “Trong số các quan tham bị sa lưới có cựu giám đốc một chi nhánh của Công ti điện lực Chuanhong ở tỉnh Tứ Xuyên, …” (trong bài Trung Quốc: bắt giữ hơn 400 quan tham bỏ trốn, báo Thanh Niên, số 85, chủ nhật, ngày 26/3/2006).
7. “Được biết trong dịp Tết vừa qua, các thành viên của đoàn xiếc (gồm Wang Ji Feng, Chen Dao Mei, Jiao Shi Guo, Sun Hua Dong, Liu Jian Nan…) đã được người xem đón nhận nông nhiệt, đặc biệt là các khán giả nhí…” (trong bài Đoàn xiếc mô tô bay Vương Trung Vương (Trung Quốc) đã “đáp” về Thảo Cầm Viên Sài Gòn, báo Thanh Niên, số 72, thứ hai, ngày 13/3/2006).
8. “Dạ Yến sẽ nằm trong cuộc tranh đua giành đề cử Oscar năm sau”, Wang Zhonglei, Giám đốc công ti Huayi Brothers, nơi sản xuất bộ phim, cho biết…” (trong bài Phùng Tiểu Cương hi vọng được đề cử giải Oscar năm sau với Dạ Yến, báo Thể thao và Văn hoá, số 22, thứ ba, ngày 21/2/2006).
Như vậy, chỉ lướt qua gần chục bài báo có nội dung liên quan đến Trung Quốc, thì ta đã gặp hàng chục những từ ngữ tiếng Hán dưới dạng phiên âm bằng chữ cái Latin. Điều này chứng tỏ rằng, tiếng Hán đang du nhập vào tiếng Việt một cách khá “rôm rả” qua bộ áo phiên âm. Vì sao vậy? Theo chúng tôi quan sát, thì không phải bất kì bài báo tiếng Việt nào viết về Trung Quốc cũng có “tài liệu nguồn” là tiếng Hán, tức là bản nguyên văn của chúng đã được viết bằng ngôn ngữ có chữ viết Latin, như tiếng Anh, tiếng Pháp… Nếu đã như vậy, thì dịch giả (biết hay không biết tiếng Hán) không còn cách nào khác là “bê nguyên xi” những cụm từ ngữ dạng phiên âm đó, vừa thuận tiện, lại bảo đảm được độ chính xác, trung thực của bài báo. Hay ngay cả khi “tài liệu nguồn” được viết chính bằng tiếng Hán, và người viết tin tiếng Việt (cũng là dịch giả) đương nhiên là biết tiếng Hán, thì việc xuất hiện các từ ngữ tiếng Hán dưới dạng phiên âm cũng không phải là không phổ biến. Bởi đâu phải bất kì người dịch nào cũng thông thạo cách đọc Hán Việt, để có thể ngay tức khắc, phiên chuyển những danh từ tiếng Hán ấy ra âm Hán Việt. Muốn làm được thế, họ phải mất thời gian tra cứu, mà xem ra cũng không thực sự cần thiết. Vậy thì, chi bằng cứ theo âm đọc mà phiên viết những từ ngữ Hán đó sang văn bản chữ Việt, cũng rất là thuận tiện, lại không kém phần chính xác. Nói như vậy không có nghĩa là những danh từ riêng tiếng Hán được viết theo âm Hán Việt đã hoàn toàn vắng bóng trên mặt báo. Ngược lại, chúng thường xuyên xuất hiện trên báo chí, thậm chí còn xuất hiện đồng thời, trong cùng một bài báo, với những từ ngữ tiếng Hán viết theo lối phiên âm. Chẳng hạn như:
1. “Những cảnh đấu võ và bay người trên không trung, yếu tố cơ bản đã tạo nên thành công quốc tế cho bộ phim Ngoạ hổ tàng long của đạo diễn Lý An, cũng được đạo diễn Phùng vận dụng triệt để trong Dạ Yến. Và để đạt được điều đó, ông đã phải “cậy nhờ” tới bộ ba góp phần làm nên thành công của Ngoạ hổ tàng long, gồm chuyên gia võ thuật Yuen Woo Ping, nhà soạn nhạc Tan Dun và đạo diễn nghệ thuật Tim Yip…Vai nữ chính trong phim vẫn được giao cho Chương Tử Di…” (trong bài Phùng Tiểu Cường hy vọng được đề cử Oscar năm sau với Dạ Yến, báo Thể thao và Văn hoá, số 22, thứ ba, ngày 21/2/2006).
2. “Liang Liang, nhà phê bình phim Đài Loan, thì nhận định, chiến thắng của Lý An có thể sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều đạo diễn châu Á muốn thử vận may ở Hollywood,…” (trong bài Sau giải Oscar của Lý An, Hollywood không ưu ái hơn với các đao diễn châu Á, báo Thể thao và Văn hoá, số 29, thứ sáu, ngày 10/3/2006).
3. “Những ai muốn khám phá về các màn xiếc độc đáo của nhân vật dặc biệt Liu Jian Nan cũng như của đoàn xiếc Vương Trung Vương có thể đến Thảo Cầm Viên vào khoảng thời gian từ 17–22 giờ mỗi ngày để thưởng thức.” (trong bài Đoàn xiếc mô tô bay Vương Trung Vương (Trung Quốc) đã “đáp” về Thảo Cầm Viên Sài Gòn, báo Thanh Niên, số 72, thứ hai, ngày 13/3/2006).
Từ những thí dụ trên, ta thấy rằng, những từ ngữ tiếng Hán được phiên ra âm Hán Việt hầu như đều là những từ ngữ quá đỗi quen thuộc với độc giả Việt Nam. Chẳng hạn như: Ngoạ hổ tàng long, Lý An, Chương Tử Di,… Thượng Hải, Tây An, Thiểm Tây, Tứ Xuyên,… Khi gặp các từ ngữ này, dù là ở dạng phiên âm trong văn bản ngoài chữ Hán, thì dịch giả, với vốn âm Hán Việt nào đó đã nằm lòng, vẫn thích đưa chúng quay trở về dạng từ ngữ Hán Việt đã quen thuộc đối với người Việt Nam. Và rõ ràng, khi tiếp xúc với những từ ngữ Hán Việt này, độc giả Việt Nam sẽ thấy gần gũi hơn rất nhiều so với những từ ngữ tiếng Hán viết theo lối phiên âm tự mẫu.
Ngoài ra, có một điều cần nói thêm rằng, trong những năm gần đây, không chỉ trên mặt báo, mà còn trên truyền hình hay trong những câu chuyện đời thường của người dân Việt Nam, ta vẫn thường nhìn thấy, nghe thấy những từ ngữ tiếng Hán vô cùng quen thuộc như wushu, sanshou, hay gần đây nhất là gongfu (trong bộ phim võ hiệp nổi tiếng của Trung Quốc – Gongfu – 功夫). Đây đều là những từ ngữ tiếng Hán chỉ các bộ môn võ thuật của Trung Quốc, đó là 武术,散手,功夫. Điều đáng chú ý là trong khi sanshou và gongfu còn được nhắc đến cả dưới dạng âm Hán Việt là tán thủ và công phu, thì ta không hề thấy wushu xuất hiện dưới hình thức âm Hán Việt tương ứng với nó là võ thuật. Nhất định phải gọi môn võ này là wushu theo chữ cái phiên âm. Bởi lẽ, trong tiếng Việt, võ thuật từ lâu đã là một danh từ chung dùng để chỉ các môn phái võ nghệ, chứ không phải đặc chỉ môn phái wushu với những đặc điểm riêng của nó. Vậy là, trong trường hợp này, con đường du nhập của từ ngữ tiếng Hán theo lối phiên âm tự mẫu đã phát huy thêm một tác dụng quan trọng nữa, nó giúp ta khu biệt danh từ chỉ một môn võ cụ thể với một danh từ chỉ võ nghệ nói chung.
Như vậy là, từ ngữ tiếng Hán du nhập vào tiếng Việt cho dù là bằng con đường khẩu ngữ, con đường sách vở hay là dạng phiên âm theo tự mẫu, thì từ thời xa xưa cho đến thời hiện đại cũng đều hết sức mạnh mẽ và bền bỉ. Cùng với sự trôi đi của thời gian, khi mà tình trạng cộng cư của người Hoa và người Việt không còn vị thế nổi bật trong sinh hoạt kinh tế thời hiện đại, khi mà tầng lớp nho sĩ am hiểu âm Hán Việt thưa thớt dần, thì sự du nhập của từ ngữ tiếng Hán vào tiếng Việt theo con đường khẩu ngữ hoặc con đường phiên âm Hán Việt sẽ không còn đậm nét như trong quá khứ nữa. Bù lại, xu hướng sử dụng ngữ tố Hán Việt để tạo từ mới ngày càng được hưởng ứng, và một con đường mới mẻ cho sự du nhập từ ngữ tiếng Hán vào tiếng Việt – con đường dùng “phiên âm tự mẫu” đang hình thành. Trên con đường mới mẻ này, số phận của các từ ngữ Hán phiên âm trong văn bản Việt sẽ ra sao? Chắc chắn chúng sẽ vấp phải không ít khó khăn để được tiếp nhận, song triển vọng của chúng cũng khá rõ ràng, vì sự tiện lợi và cần thiết của chúng ở những tình cảnh nhất định là không thể phủ nhận.
Tài liệu tham khảo
1. Lý Hành Kiện (chủ biên). Xiandai Hanyu Guifan Cidian (现代汉语规范词典). Nxb Ngoại ngữ Giáo học dữ Nghiên cứu & Nxb Ngoại văn, Bắc Kinh, 2004.
2. Nguyễn Tài Cẩn. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt (tái bản có sửa chữa). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
3. Nguyễn Quang Hồng. Âm tiết và loại hình ngôn ngữ (tái bản). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
4. Nguyễn Quang Hồng. Giữ gìn và phát triển tiếng Việt, ngôn ngữ chung của các dân tộc Việt Nam. Tạp chí “Ngôn ngữ & Đời sống”, số 1+2/2004.
5. Phòng Từ điển Viện Ngôn ngữ học Trung Quốc biên soạn (tu đính bản). Xiandai Hanyu Cidian (现代汉语词典). Nhà in Thương Vụ, Bắc Kinh, 1999.
Theo Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 5/2006, trang 34-37.